Khuyến cáo hạn chế ra ngoài, tiếp xúc gần và xu hướng làm việc từ xa trong mùa dịch COVID-19 đã tạo cơ hội lớn cho các kênh mua sắm online. Thay vì phải đến tận nơi mua hàng, nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, chị em chỉ cần ngồi ở nhà và thực hiện vài cú nhấp chuột.
Tuy nhiên, sự tiện lợi và nhanh chóng mà cách mua hàng này đem lại cũng khiến các chị em dễ bị cuốn vào việc mua sắm online và mang về nhà những sản phẩm không thực sự cần thiết. Trong khoảng thời gian kinh tế đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch, chi tiêu thông minh là điều càng trở nên quan trọng. Để không sa đà, trở thành những "con nghiện" mua sắm online khi làm việc ở nhà, hãy luôn nhớ tới 3 mẹo nhỏ mà hữu ích sau:
Tự đặt ra giới hạn cho bản thân
Hãy tự đặt ra giới hạn cho bản thân mình bằng việc lên lịch cho các khung giờ được phép mua sắm trong tuần.
Những giờ giải lao là rất cần thiết, giúp bạn có thể tái tạo năng lượng để làm việc năng suất hơn. Nhiều người, đặc biệt là các chị em có thói quen mở các trang web mua sắm hay ứng dụng mua sắm khi cảm thấy buồn chán.
Bán hàng trực tuyến ngày càng phát triển, các trang web và ứng dụng càng được thiết kế rất bắt mắt và có thể sử dụng một cách dễ dàng. Các phần quảng cáo có thể xuất hiện dưới dạng bài được tài trợ hay bài đề xuất. Bạn sẽ rất dễ "tiện tay" nhấp chuột vào đó và lạc vào thế giới mua sắm mà không biết đường ra.
Tốt nhất hãy tự đặt ra giới hạn cho bản thân mình bằng việc lên lịch cho các khung giờ được phép mua sắm trong tuần. Ví dụ bạn có thể cho phép mình xem các sản phẩm mua sắm 2 lần mỗi tuần, mỗi tuần 1 tiếng chẳng hạn. Nếu không nằm trong khoảng thời gian đó, bạn không được vào các trang đó, khi nghĩ ra một sản phẩm gì cần mua, hãy viết lại trong sổ và chờ đến khung thời gian được phép "xử lý" dần.
Điều này không chỉ giúp bạn hạn chế được việc sa đà vào mua sắm mà còn giúp bạn duy trì công việc một cách tập trung, xuyên suốt hơn trong ngày làm việc.
Không mua hàng theo cảm xúc, chỉ mua khi thực sự có nhu cầu
Việc mua sắm vật chất thực sự chỉ đem lại cho bạn cảm xúc vui vẻ nhất thời và ngắn ngủi.
Rất nhiều người có thói quen lấy việc mua sắm làm điều để giải tỏa tâm trạng. Khi cảm thấy căng thẳng hay buồn khổ, họ sẽ mua sắm, tiêu tiền để giúp cho tâm trạng mình thực sự thoải mái hơn.
Song sự thật là đừng bao giờ mua hàng khi bạn stress vì quyết định của bạn có thể không chính xác. Đến khi tâm trạng trở nên tốt hơn, bạn mới nhận ra rằng mình đã tiêu quá nhiều tiền vào những món đồ thật sự không cần thiết. Bên cạnh đó, việc mua sắm vật chất thực sự chỉ đem lại cho bạn cảm xúc vui vẻ nhất thời và ngắn ngủi.
Hãy mua hàng khi thực sự cần dùng đến sản phẩm đó. Bạn cảm thấy tâm trạng mình không tốt? Có rất nhiều cách giúp bạn cải thiện tâm trạng mà lại không tốn kém như đi dạo hay nghe vài bản nhạc mà bạn yêu thích, đung đưa theo nhịp điệu. Bạn cũng có thể trổ tài nấu nướng, vào bếp thực hiện một món ăn nào đó đã ngắm từ lâu mà chưa có dịp thử hay đơn giản là trò chuyện với những người mình yêu thương.
Cho bản thân "khoảng chờ"
"Khoảng chờ" còn cho phép bạn có thời gian để khảo sát hàng hoá, so sánh giá cả ở các kênh khác nhau.
Công nghệ ngày càng phát triển, việc mua sắm online trở nên rất thuận tiện. Hình ảnh bắt mắt, sống động; việc xem hàng hay mua chỉ cần thao tác nhấp chuột là xong, cũng không cần lo đến chuyện kỳ kèo hay dùng tiền mặt. Chính những điều này khiến bạn dễ sa đà vào mua thêm những sản phẩm khác vì "tiện tay".
Để chi tiêu một cách thông minh hơn, bạn có thể bỏ sản phẩm mình muốn vào giỏ hàng song đừng nhấp chuột để mua vội. Hãy cho mình 1 ngày để suy nghĩ. Theo nghiên cứu, sau 1 ngày nhìn lại, bạn sẽ dễ nhận ra mình liệu có thực sự có cần mua món hàng đó không. Với các sản phẩm giá trị lớn, bạn có thể lùi lại 1 tuần.
"Sản phẩm này sẽ giúp mình những gì? Lợi ích của sản phẩm đó và mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian hay công sức khi có sản phẩm đó?..." Hãy đặt cho mình những câu hỏi và trả lời chúng. Điều này cũng giúp bạn "kiểm soát cơn nghiện".
Bên cạnh đó, "khoảng chờ" còn cho phép bạn có thời gian để khảo sát hàng hoá, so sánh giá cả ở các kênh khác nhau. Hãy xem liệu mặt hàng đó có giá tốt hơn ở nơi khác không hay liệu chương trình giảm giá, khuyến mại đó có thực sự hữu ích hay chỉ là nâng giá lên rồi giảm giá xuống.
Nếu vấn đề vẫn còn khó khăn, bạn có thể chủ động bỏ "Thích" các trang mua sắm mà mình từng theo dõi trước đó, xóa thông tin thẻ tín dụng ra khỏi danh sách lưu tự động hay mạnh tay hơn là xóa ứng dụng mua sắm khỏi điện thoại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn