Đứng trước ngưỡng cửa đại học, chọn ngành học gì đúng sở thích, năng lực nhưng quan trọng vẫn đảm bảo đầu ra là những yếu tố sĩ tử nên lưu ý. Đành rằng cơ hội việc làm còn phụ thuộc vào nỗ lực, ý chí, khả năng của mỗi người. Tuy nhiên lựa chọn ngành học có tiềm năng trong tương lai để bớt lâm vào cảnh cặm cụi 4 năm học rồi phải chật vật tìm kiếm việc làm là điều cần cân nhắc.
Các em không nên chọn ngành học hot nếu bản thân cảm thấy không yêu thích và không phù hợp. Các em có thể lựa chọn ngành không hot, nhưng khi học tập thực sự đam mê thì vẫn có thể sở hữu cơ hội việc làm cho riêng mình.
Theo Sohu, có một số ngành học được phụ huynh ưu ái và định hướng cho con nhưng đang "bão hòa trầm trọng", vì vậy hãy lựa chọn thật kỹ càng. Vì vậy, nếu không thực sự quá đam mê và quyết định theo đuổi nghiêm túc thì đừng chọn theo "phong trào". Bởi khi vào học ngành mình không thích thì sẽ dẫn đến tình trạng chán nản, bỏ học, lúc đấy thì vừa mất tiền vừa mất thời gian của bản thân cũng như gia đình.
Ngành đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh là một trong những ngành tương đối phổ biến và được yêu thích hiện nay. Nói một cách đơn giản, Quản trị kinh doanh là tập hợp kiến thức kinh tế của rất nhiều ngành nghề liên quan bao gồm: Bán hàng, Tài chính, Luật kinh tế, Marketing, Logistics, Nhân sự… ở cấp độ tổng quát nhất.
Dù đa tài nhưng sinh viên Quản trị kinh doanh không "thiện chiến" ở riêng một lĩnh vực nào. Đây là ưu điểm và hạn chế của Cử nhân ngành này. Vì khi đó họ phải chắc chắn rằng con đường sự nghiệp của mình là đúng đắn ngay từ khi còn là sinh viên. Để họ trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, tình trạng thí sinh đăng ký quá đông khiến vấn đề đặt ra là có tình trạng "cung vượt cầu" khiến số lượng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường khá lớn.
Thực tế trước đây, chuyên ngành Báo chí và Truyền thông tương đối phổ biến, nhiều thí sinh đổ xô đăng ký dự thi, các kênh tuyển dụng chính của chuyên ngành này là báo in và truyền hình. Rất nhiều sinh viên nữ thích làm trong lĩnh vực truyền hình vì năng động và "hào nhoáng".
Nhưng hiện nay với sự phát triển của thời đại Internet, truyền thông truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề. Việc làm cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí và Truyền thông ngày càng trở nên khó khăn hơn, và chuyên ngành này hiện đã xuất hiện tình trạng "bão hòa trầm trọng".
Chuyên ngành Kế toán chắc hẳn đã quá quen thuộc, được nhiều sinh viên đăng ký thi hàng năm. Trước đây, nghề Kế toán không chỉ vô cùng "hot" vì nhu cầu tuyển dụng cao ngất mà còn vì mức lương đáng mơ ước đối với nhiều bạn trẻ mới ra trường; nhưng trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp của ngành này lại có xu hướng tăng lên.
Ngoài cung vượt cầu, thực tế cho thấy, dù sinh viên khi ra trường đã được học rất nhiều kiến thức nhưng hầu như vẫn chưa thể đáp ứng được các nhu cầu mà một doanh nghiệp đưa ra bởi thực tế những kiến thức đó chỉ là lý thuyết. Bên cạnh đó, nhiều nhà tuyển dụng lại yêu cầu tuyển những nhân viên đã có kinh nghiệm làm việc. Từ đó dẫn đến sự thất nghiệp tăng cao.
Ba ngành học trên là những ngành học được các bậc phụ huynh cho rằng có sự phát triển, nhưng thực tế đã "bão hòa" trầm trọng, khó tìm việc làm.
Hàng năm, khi điền đơn đăng ký, một số phụ huynh "tự quyết" cho con cái chọn ngành học, bất chấp việc đứa trẻ có hứng thú hay chấp nhận không. Khi con chọn ngành học, phụ huynh có thể đưa ra ý kiến phù hợp, nhưng không được tự ý đưa ra quyết định. Việc học cũng là cho con, nếu phụ huynh chọn chuyên ngành mà con mình yêu thích thì không sao, nhưng ngược lại có thể ảnh hưởng tương lai con cái mình.
Ngành nghề đào tạo nào cũng cần cho xã hội và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ quan là khả năng học tập và nắm bắt của sinh viên cũng như năng lực của sinh viên như thế nào.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nếu biết chọn học những ngành học theo kịp xu hướng thời đại, và chịu khó học tập, rèn luyện thì sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm cũng như nhận mức thu nhập cao hơn sau khi ra trường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn