Mở đầu clip quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, nghệ sĩ Cát Tường mạnh miệng tuyên bố: "Nếu ai đang bị mề đay, bị viêm da cơ địa, bị dị ứng hoặc bị nặng hơn như vẩy nến, á sừng, thì đừng tiếc vài phút ở lại đây. Thì bộ sản phẩm này sẽ giúp chúng ta đánh bay mấy bệnh đó luôn. Bộ sản phẩm điều trị về da cực kỳ uy tín luôn. Được ứng dụng công nghệ Nano Nhật Bản, được chứng nhận đầy đủ của Bộ Y tế. Chỉ 5 ngày hết viêm da, 7 ngày đào thải hết độc tố…".
Clip Nghệ sĩ Cát Tường "thổi" thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano như thuốc đặc trị
Nghe Cát Tường quảng cáo kiểu "một tấc đến trời", nếu như người không rõ thông tin, hoặc nhẹ dạ, sẽ có thể tin tưởng đây là bài thuốc đặc trị bệnh viêm da.
Nhưng trên thực tế, sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận bản Đăng ký công bố sản phẩm, số 8560/2021, ngày 23/9/2021. Đơn vị chịu trách nhiệm công bố và lưu hành là Công ty TNHH BigShark, có địa chỉ tại số 185 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
Trong giấy tiếp nhận của cục an toàn thực phẩm nêu rõ, sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố.
Thế nhưng nghệ sĩ Cát Tường vẫn công khai nói trong clip quảng cáo sản phẩm này như thuốc điều trị bệnh viêm da, có thể chữa hiệu quả từ 5-7 ngày. Thông tin quảng cáo này khiến người xem tưởng rằng đây là thuốc. Nội dung quảng cáo này có dấu hiệu sai sự thật, lừa dối người bệnh.
Đây không phải lần đầu nghệ sĩ Cát Tường bị phản ứng vì quảng cáo lừa dối người bệnh, thổi phồng công dụng cho các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cách đây chưa lâu, nghệ sĩ này từng bị dư luận lên án gay gắt vì quảng cáo thổi công dụng sữa Diasure Sure như thuốc chữa bệnh xương khớp khiến nhiều người già cả, bệnh tật bị sập bẫy lừa, bỏ tiền ra mua thứ không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh.
Sự việc gay gắt đến mức, dư luận cộng đồng mạng đồng loạt kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nhằm ngăn chặn các clip quảng cáo sai sự thật của vị này, tránh cho những người bệnh rơi vào bẫy lừa bởi những quảng cáo sai sự thật.
Sau khi bị dư luận lên án gay gắt, Cát Tường có vẻ như im hơi nặng tiếng một thời gian, khiến dư luận mạng nghĩ rằng vị này đã biết "sửa sai". Nhưng sự im lặng không được bao lâu thì mới đây Cát Tường lại tiếp tục "tái xuất", khiến dư luận ngỡ ngàng và bức xúc.
Ngoài Cát Tường, thì còn có các diễn viên hài như Quốc Thuận, Hiếu Hiền, cũng ra sức thổi phồng công dụng cho sản phẩm Vida Nano thành thuốc đặc trị các bệnh viêm da.
Hiện nay, tình trạng nghệ sĩ, diễn viên người nổi tiếng đua nhau đi quảng cáo thi nhau đi quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm sai sự thật diễn ra nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội. Có thể mỗi show quảng cáo họ bỏ túi từ hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá béo bở nhưng hệ quả từ những clip quảng cáo sai sự thật này cũng rất lớn, có thể khiến hàng ngàn hàng vạn người dân, người bệnh, vì tin theo họ mà dẫn đến cảnh tiền mất tật mang.
Nhà báo Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, nhận xét: "Không thể nói việc những diễn viên nghệ sĩ này đi quảng cáo "thổi" thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thuốc, là thiếu hiểu biết. Ngay trên vỏ hộp các sản phẩm này đã ghi rõ, sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Do đó, việc họ quảng cáo như vậy có dấu hiệu cố ý nói sai sự thật. Nhiều khả năng là họ thực hiện theo kịch bản dàn dựng sẵn".
Clip Nghệ sĩ Hiếu Hiền và Quốc Thuận quảng cáo sản phẩm Viada Nano như thuốc chữa bệnh.
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đã quyết liệt xử lý các đơn vị, tổ chức dàn dựng quảng cáo thổi phồng công dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe lừa dối người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những lực lượng chức năng khác như công an, quản lý thị trường... cũng vào cuộc xử lý tích cực, Gần đây, Công an tỉnh Thái Bình đã triệt phá đường dây lừa đảo bán sản phẩm chăm sóc da Sắc Ngọc Đan, lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ của hàng vạn người dân, gây rúng động dư luận.
Với những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây cho người tiêu dùng hiểu lầm đó là thuốc chữa bệnh thì ngoài các cơ quan ban ngành hữu quan tham gia xử lý, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cần phải vào cuộc kiểm tra, xử lý đối với hoạt động của nghệ sĩ. Được biết, năm 2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong Quy tắc ứng xử lý có riêng một nội dung về quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng. Vì vậy, việc xem xét trách nhiệm của nghệ sĩ cùng với xem xét xử lý cá đơn vị vi phạm mới mong chấn chỉnh phương thức quảng cáo "một tấc đến trời", có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn