Tuổi trẻ kiên cường
Năm 1940, khi phát xít Đức đưa quân xâm chiếm Hà Lan vào tháng 5/1940, hai chị em Truus Oversteegen (17 tuổi) và Freddie Oversteegen (15 tuổi) sinh sống tại thành phố Haarlem, vùng Tây Bắc Hà Lan. Cha mẹ của hai cô là ông Jacob Oversteegen và bà Trijntje van der Molen đều làm việc cho Tổ chức Cứu nạn đỏ quốc tế do Quốc tế Cộng sản lập ra năm 1922.
Bà Molen thường xuyên giúp đỡ quân kháng chiến, tự xem mình là người có lý tưởng cộng sản và luôn dạy dỗ hai cô con gái về ý thức đấu tranh chống lại sự bất công. Trước khi chiến tranh bùng nổ khắp châu Âu, trong đó có Hà Lan, bà Molen đã tình nguyện che chở cho những người Do Thái bị Đức Quốc xã truy lùng.
Ở tuổi thiếu niên, được sự giáo dục của cha mẹ, hai cô bé Freddie và Truus đều tham gia Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Hà Lan, tham gia hoạt động từ thiện xã hội, giúp các nạn nhân trong các cuộc chiến ở châu Âu, như cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1936-1939. Khi quân Đức chiếm đóng Hà Lan, hai cô theo mẹ đi giúp quân kháng chiến. Thời đó, hai chị em đều có việc làm tại một cơ sở y tế ở Enschede, miền Đông Hà Lan, giáp biên giới với nước Đức.
Vừa làm việc, hai chị em vừa thực hiện nhiệm vụ theo dõi và báo cáo cho quân kháng chiến về hoạt động của sân bay quân sự Đức gần đó. Bên cạnh đó, hai chị em cũng thực hiện phân phát báo, truyền đơn chống phát xít Đức. Đặc điểm nổi bật của hai chị em là đi xe đạp khi thực hiện những việc như dán lời cảnh báo chèn lên những tờ áp-phích chiêu dụ đi lính của phát xít Đức. Hoạt động của hai chị em đã lọt vào sự chú ý của Frans van der Wiel, lãnh đạo quân kháng chiến ở thành phố Haarlem. Một ngày cuối năm 1940, ông Van der Wiel đến nhà để xin phép người mẹ cho hai chị em tham gia quân kháng chiến và được người mẹ đồng ý.
Lúc đầu, do tuổi còn nhỏ nên họ không được chú ý nhiều. Hai chị em chỉ làm người đưa tin giữa các thành viên kháng chiến, tuồn và đánh cắp giấy chứng minh để giúp nhiều người Do Thái trốn thoát. Họ còn được giao nhiệm vụ chuyển vũ khí và giúp hộ tống người Do Thái tới nơi ẩn náu.
Hai chị em Oversteegen thường hộ tống trẻ em Do Thái vì không ai nghi ngờ các cô dắt theo trẻ con. Nhiệm vụ của hai chị em khó dần lên khi họ bắt đầu nhận thực hiện những công việc như hỗ trợ đốt kho quân sự của kẻ thù. Họ còn phá hoại các cơ sở quân sự, đánh bom các đường dây điện và đoàn tàu chở vũ khí. Sau loạt nhiệm vụ phá hoại đó, chị em Oversteegen chuyển sang một nhiệm vụ mới: dụ dỗ bọn lính Đức cùng những tên tay sai người Hà Lan đi ra những cánh rừng, hoặc nơi vắng vẻ để quân kháng chiến ra tay hạ sát chúng.
Nữ chiến binh xuất sắc
Hai chị em Oversteegen còn có thêm một đồng đội cùng trang lứa là Jannetje Johanna Schaft đang học luật quốc tế, chuyên ngành luật nhân quyền tại trường Đại học Amsterdam. Jannetje buộc phải thôi học vì từ chối ký tuyên bố trung thành với Đức quốc xã. Với biệt danh trong phong trào kháng chiến là "Hannie", Jannetje cùng chị em nhà Oversteegen thành bộ 3 nữ chiến binh đặc biệt thực hiện nhiều sứ mệnh. Cô còn học tiếng Đức để hỗ trợ hoạt động kháng chiến.
Các cô gái được Hội đồng Kháng chiến huấn luyện bắn súng và sử dụng trong các vụ ám sát lính Đức quốc xã và tay sai Hà Lan. Khi biện pháp dụ dỗ bọn lính Đức và tay sai không còn hiệu nghiệm, bị bọn lính cảnh giác và gây nguy hiểm, họ chuyển sang dùng xe đạp chạy đến những nơi có đông lính để ra tay tiêu diệt chúng. Vì thế, 3 cô gái trẻ được đặt cho biệt danh "nữ sát thủ xe đạp".
Hannie được biết đến với cái tên "Cô gái với mái tóc đỏ". Cô là một trong những người dũng cảm và gan dạ nhất của phong trào kháng chiến Hà Lan. Mái tóc đỏ rực và nhiều sứ mệnh mà cô tham gia đã khiến cô bị chú ý. Phía Đức quốc xã bắt đầu quan tâm tới "cô gái tóc đỏ" tới mức đích thân trùm Hitler đã ra lệnh tiêu diệt Hannie.
Hannie nhuộm đen mái tóc và đổi tên. Không may, một mật vụ Đức Quốc xã giả làm y tá đã tình cờ phát hiện ra tên thật của Hannie. Sau đó, gia đình cô bị bắt giam, sau được thả vì họ không biết Hannie làm gì và ở đâu. Tuy nhiên, cuối cùng quân Đức cũng tình cờ bắt được Hannie tại một chốt kiểm soát quân sự ngày 21/3/1945. Cô bị tra tấn vài tuần liền nhưng không gục ngã.
Trong bối cảnh chiến tranh ở giai đoạn cuối, Hannie lẽ ra có thể sống sót nhưng do không có thuốc nhuộm chân tóc nên lính Đức đã phát hiện ra Hannie là ai. Khi đó, Hannie 24 tuổi và bị hành quyết ngày 17/4/1945, chỉ còn 18 ngày nữa là quê hương Hà Lan của cô được giải phóng. Kiên cường tới phút chót, Hannie đã chế giễu hai tên lính được giao nhiệm vụ giết cô nhưng bắn trượt cả hai phát đầu. Cô nói: "Đồ ngốc, tôi bắn còn giỏi hơn".
Sau chiến tranh, Hannie được cải táng trong một đám tang lớn có sự tham dự của Nữ hoàng Wilhelmina và hoàng gia Hà Lan. Cô được tôn vinh như một nữ anh hùng dân tộc. Chính quyền Hà Lan đã truy tặng cô nhiều phần thưởng danh giá, lập ra một tổ chức mang tên cô - Tổ chức Hannie Schaft Quốc gia - để tưởng nhớ và lưu giữ chứng tích lịch sử về hoạt động của cô cũng như các đồng đội trong kháng chiến. Tư lệnh tối cao quân Đồng minh Dwight Eisenhower truy tặng Hannie Huân chương Tự do.
Còn hai chị em Oversteegen đã vượt qua cuộc chiến và sống đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Cả hai lấy chồng và sống cuộc sống bình thường như bao người dân Hà Lan sau chiến tranh. Trong khi Hannie Schaft được tôn vinh như một nữ anh hùng thì hai chị em Oversteegen lại bị lãng quên trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc vận động của các tổ chức, cá nhân ủng hộ chị em Oversteegen, Chính phủ Hà Lan đã nhìn nhận công lao của hai bà.
Báo chí, truyền hình quốc gia Hà Lan đã thực hiện nhiều phóng sự, phim tài liệu về cuộc đời của hai bà. Năm 2014, hai bà được Thủ tướng Mark Rutte trao tặng Huân chương Kháng chiến Chữ thập cao quý. Họ cũng được vinh danh tại Jerusalem vì bảo vệ người Do Thái. Người chị Truus qua đời năm 2016, còn Freddie qua đời ngày 5/9/2018.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn