3 nữ hoàng quyền lực nổi tiếng trong lịch sử cả thế giới ngưỡng mộ

10:42 | 01/11/2017;
Xinh đẹp, tài giỏi và sở hữu cả một vương quốc, 3 nữ hoàng quyền lực nhất trong lịch sử đều khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Nữ hoàng Tây Ban Nha, Isabella đệ nhất

Là người có công lớn trong việc thống nhất Tây Ban Nha sau 700 năm phân tán, nữ hoàng Isabella I (1451 - 1504) từng là công chúa xứ Castile trước khi trở thành nữ hoàng năm 23 tuổi.

Chân dung nữ hoàng Isabella I

Isabella đệ nhất được biết đến như một nữ hoàng xuất chúng nhất Tây Ban Nha. Bà cũng nổi tiếng là một nữ hoàng tàn bạo về mặt tôn giáo, từng trục xuất 170.000 người Do Thái ra khỏi đất nước.

Bà cũng là người góp công lớn trong việc mở rộng và hình thành nên một vương quốc Tây Ban Nha như hiện nay, cũng như góp phần khám phá ra Châu Mỹ. Vợ chồng bà là người đã ủng hộ và chu cấp tiền cho nhà thám hiểm hàng hải Christopher Columbus khám phá ra lục địa mới, để rồi sau đó phần lớn châu Mỹ đã trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha và Châu Âu.

Ngoải ra, bà còn là người bảo trợ cho các học giả và nghệ sĩ tạo nên nhiều công trình nghệ thuật nổi tiếng. Không chỉ giỏi việc cai trị và xây dựng đất nước, Isabella còn nổi tiếng về khoản chăm sóc và dạy dỗ con cái chu toàn.

Kiên quyết từ chối cuộc hôn nhân bị sắp đặt từ năm 16 tuổi để kết hôn với người mình chọn, công chúa Isabella bị giam lỏng trong lâu đài dưới sự cai trị của anh trai. Thế nhưng, nhờ mưu trí, bà đã chạy trốn được dưới sự trợ giúp của Đại giáo chủ và người dân. Đồng thời, nàng nhờ người bí mật báo tin cho hoàng tử Ferdinand của vương quốc Aragon - người bà chọn làm chồng.

Hoàng tử Ferdinand đã nhanh chóng sắp xếp để ngay khi gặp Isabella, họ tổ chức kết hôn. Năm 18 tuổi, công chúa Isabella xứ Castile kết hôn cùng hoàng tử Ferdinand. Họ được ví như cặp đôi "trai tài - gái sắc" và nhận được sự chúc phúc của người dân.


Sau khi kết hôn với Ferdinand, Isabella bị tước ngôi vị tại quê hương. Cũng từ đó, những cuộc chiến xảy ra, cả nội chiến lẫn cuộc chiến xâm lược của Bồ Đào Nha khiến đời sống chính trị và xã hội bất ổn. Sau khi anh trai của Isabella qua đời, con gái Juana của ông lên ngôi kế vị. Tranh chấp ngôi quyền giữa cô và cháu nổ ra.

Năm 1479, cuộc nội chiến tranh giành ngôi vị kết thúc, Isabella thắng và giành quyền cai trị đất nước, đồng thời đuổi được giặc ngoại xâm khỏi vương quốc. Sau đó, bà cùng chồng sát nhập hai vương quốc, đồng thởi mở rộng lãnh thổ để rồi trở thành nước Tây Ban Nha như hiện nay.

Dưới sự cai trị của Quốc vương Fernado và hoàng hậu Isabella đệ nhất, Tây Ban Nha vô cùng hùng mạnh và có sức ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu trong suốt hơn 1 thế kỷ.

Hai vợ chồng Isabella sống vô cùng hạnh phúc cho tới khi lìa đời.

Nữ hoàng Nga, Catherine II

Bà còn gọi là Catherine Đại đế/ Ekaterina II (1729 - 1796), là nữ hoàng có sức ảnh hưởng nhất tại quốc gia này, đồng thời cũng là một trong những người phụ nữ kiệt xuất nhất trong lịch sử thế giới.

Ekaterina II Đại đế sau khi mới lên ngôi (1762)

Mặc dù không phải người Nga nhưng bà là người cai trị toàn bộ lãnh thổ quốc gia rộng lớn này suốt hơn 30 năm, gây dựng cả 1 bộ máy chính trị vận hành trơn tru và thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt.

Catherine tên thật là Sophie Friederike Auguste, xuất thân trong một gia đình quý tộc gốc Ba Lan. Cha là Vương công xứ Stettin, nay là thành phố Szczecin ở Ba Lan.

Năm 15 tuổi, bà theo mẹ đến Nga theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth Petrovna. Sau đó, bà đổi tên thành Catherine sau khi trở thành tín đồ chính thống giáo và kết hôn với Hoàng tử Peter.

Năm 1762, chồng bà lên ngôi Hoàng đế và bà trở thành Nữ hoàng. Thế nhưng, dưới sự cai trị của chồng bà, Peter Đệ Tam, 1 vị vua kém cỏi về cả trí và lực, xã hội Nga nhanh chóng bị đảo lộn và tha hóa. Một cuộc đảo chính lớn diễn ra tại quốc gia này khiến ngôi vị của chồng bà có nguy cơ sụp đổ. Ít lâu sau, Peter III qua đời.

Sau khi chồng qua đời, bà kế nhiệm Ngôi hoàng thay con trai Paul, hoàng tử đã bị người bà Elizabeth bế đi từ bé nhằm tách khỏi sự ảnh hưởng của cha mẹ.

Từ khi lên nắm quyền định đoạt số phận nước nhà, Catherine đại đế áp dụng chính sách chuyên chế quân chủ khai sáng và ngay lập tức thực hiện nhiều cải cách nhằm thúc đẩy xã hội phát triển.

Ở thời kỳ bà cai trị, đất nước Nga thực sự trở thành một cường quốc hùng mạnh trên vũ đài thế giới. Lịch sử còn gọi đây là "thời kỳ vàng son của Catherine II" nhằm tưởng nhớ đến công lao của bà.

Tượng đài Ekaterina II trong vườn hoa Ekaterina – St. Petersburg

Nước Nga thời kỳ này xuất hiện nhiều người xuất chúng, hay còn gọi là "những con đại bàng của Catherine II" như: Suvorov, Potemkin, Ushakov, Orlov, Kutuzov,...

Sức mạnh quân sự của Nga được củng cố, chính sách đối nội - đối ngoại phát triển đưa Nga trở thành siêu cường quốc thế giới. Nữ hoàng Catherine đại đế cũng chính là người có công trong việc mở rộng lãnh thổ nước Nga. Dân số và diện tích quốc gia tăng mạnh, trong khi ngân sách nhà nước còn tăng nhiều hơn thế giúp cuộc sống của người dân Nga cải thiện đáng kể.

Bà còn quan tâm nhiều đến việc xây dựng và phát triển tại các thành phố, đặc biệt là Saint-Petersburg. Dịch vụ cộng đồng và khoa học - giáo dục cũng được chú trọng phát triển. Một lượng lớn thư viện, nhà xuất bản, cơ sở giáo dục khác nhau ra đời.

Một thành tựu vô cùng quan trọng mà Catherine II đóng góp cho nước Nga đó là những đề xuất nhằm xóa bỏ chế độ nông nô. Bà nhận định đây là một chế độ vô nhân đạo, chống lại các quyền tự nhiên của con người.

Mặc dù có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nước Nga, nhưng Catherine II cũng vướng phải nhiều lùm xùm trong đời sống riêng tư. Nhiều tài liệu sử cho rằng bà có rất nhiều nhân tình, và những tình nhân đều được nhấc lên giữ các vị trí trọng trách trong bộ máy Nhà nước khi bà lên ngôi. Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng bà đã lên kế hoạch để lật đổ ngai vàng của chồng cũng như dính líu đến cái chết của ông.

Nữ hoàng Ai Cập, Cleopatra

Nổi tiếng với sắc đẹp và quyền lực, nữ hoàng Cleopatra được coi là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới cổ đại.

Dù đã hàng ngàn năm trôi qua, nhưng sức ảnh hưởng của vị nữ hoàng này vẫn còn được nhắc đến tận ngày nay, không chỉ là đề tài khám phá của sử học mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh và nghệ thuật.

Tranh vẽ "Cleopatra và những người tù ngục" của họa sĩ Alexandre Cabanel (1887)

Cleopatra (69 TCN - 30 TCN) lên ngôi từ khi mới 17 tuổi và trở thành vị Pharaoh cuối cùng của Ai Cập. Bà đã thành công trong việc cai trị đất nước Ai Cập rộng lớn, xây dựng một đế chế hùng mạnh và được dân chúng tôn thờ như một nữ thần.

Theo phong tục của Ai Cập, sau khi cha qua đời, Cleopatra phải kết hôn với em trai 12 tuổi để kế thừa ngôi vị. Sau đó, bà đã xóa tên chồng khỏi tất cả các văn bản chính thức, xóa bỏ chính sách truyền thống của hoàng tộc là phải có sự hiện diện của nam giới khi chia sẻ quyền lực.

Sự ra đời của đồng tiền với hình chân dung của bà được khắc trên đó là bước khởi đầu cho sự cai trị của nữ pharaoh Cleopatra. Liên minh với đế chế La Mã, Cleopatra không chỉ có mối quan hệ chính trị với hai vị Thống soái La Mã là Julius Caesar và Mark Antony, mà còn có mối quan hệ tình cảm đôi lứa với họ. Việc giữ quan hệ với Caesar và Antony giúp bà bảo toàn được lãnh thổ Ai Cập, ngăn không cho người La Mã chiếm đoạt Địa Trung Hải.

Dưới sự cai trị của bà, thủ phủ Ai Cập trở thành thành phố hiện đại bậc nhất thế giới cổ đại với nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám nghiệm tử thi, một thư viện và ngọn hải đăng khổng lồ. Có thể nói đây là trung tâm thu hút các nghệ sĩ, nhà khoa học, kỹ sư và nhà văn tài năng trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, sau khi bà mất, Ai Cập trở thành thuộc địa của La Mã. Đến nay, cái chết và nhan sắc của Cleopatra vẫn còn là đề tài bàn tán của nhiều nhà sử học.

Có ý kiến cho rằng Nữ hoàng Cleoptra không hề có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành như sử sách ghi lại. Tuy nhiên, không có một hình ảnh cụ thể nào về nhan sắc của bà ngoài chân dung được khắc trên đồng xu và bức tượng của bà được tìm thấy trong 1 ngôi đền. Theo bức chân dung được khắc trên đồng xu, khuôn mặt nữ hoàng Cleopatra có dung nhan khá thô: cổ to, mũi khoằm, tai dài và cằm nhô. Trong khi đó, các nhà khảo cổ lại khẳng định khuôn mặt bà vô cùng đẹp đẽ và quyến rũ thông qua bức tượng tạc hình Nữ hoàng.

Đồng xu khắc hình chân dung Nữ hoàng Cleopatra (bên trái) và bức tượng tạc Nữ hoàng (bên phải)

Ngoài ra, bà còn là người phụ nữ thông minh và tài năng, có thể nói được 9 thứ tiếng và sở hữu một chất giọng ngọt ngào. Chuyện tình của bà với tướng quân Antony cũng trở thành chuyện tình bất tử khi 2 người sống chết vì nhau và được chôn cất ngay cạnh nhau. Augustus, anh họ của Antony đã theo nguyện vọng của em trai, chôn cất hai người trong ngôi mộ đôi ở Ai Cập do chính bà chủ định xây dựng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn