3 nữ ứng cử viên ĐBQH khóa XV trẻ nhất đều 24 tuổi

07:16 | 28/04/2021;
Theo danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XV công bố chiều 27/4, có 4 ứng viên trẻ tuổi nhất đều sinh năm 1997; trong đó có 3 nữ ứng cử viên ở Điện Biên và Phú Thọ đang làm nông nghiệp hoặc giáo viên.

Ngày 27/4, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức buổi họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XV. Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, cho biết: Theo thống kê, trong tổng số danh sách người ứng cử, có 224 người trẻ tuổi - dưới 40 tuổi (chiếm 25,81%). Độ tuổi bình quân của người ứng cử là 46 tuổi. Người cao tuổi nhất ứng cử là 77 tuổi, người ít tuổi nhất là 24 tuổi.

Về trình độ chuyên môn, trong tổng số 868 ứng cử viên, có 564 người ứng cử có trình độ trên đại học (tỉ lệ 64,98%); 294 người ứng cử có trình độ đại học (tỉ lệ 33,87%); 10 người ứng cử có trình độ dưới đại học (tỉ lệ 1,15%).

Ông Bùi Văn Cường cho biết, ứng cử viên ĐBQH khóa XV cao tuổi nhất 77 tuổi, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sinh ngày 14/4/1944). Theo danh sách chính thức, Tổng Bí thư ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội.

Theo danh sách, có 4 ứng cử viên trẻ tuổi nhất đều sinh năm 1997 (24 tuổi); trong đó có 1 nam và 3 nữ ứng cử viên, gồm: Lý Thị An (sinh ngày 10/5/1997) và Quàng Thị Nguyệt (sinh ngày 1/11/1997) đều là người dân tộc Khơ-mú. Cả hai hiện là nông dân, sinh sống và làm việc xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Ứng cử viên Bùi Thị Tuyết Nhung, sinh ngày 03/9/1997, nơi ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ứng viên này hiện là Giáo viên Trường trung học cơ sở Mỹ Lung.

3 nữ ứng cử viên ĐBQH khóa XV trẻ nhất mới 24 tuổi - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia

Về cơ cấu, theo ông Bùi Văn Cường, trong tổng số 868 người chính thức ứng cử ĐBQH khoá XV có 393 người là phụ nữ (đạt tỉ lệ 45,28%); 185 người ứng cử là người dân tộc thiểu số (đạt tỉ lệ 21,31%); 74 người ứng cử là người ngoài Đảng (tỉ lệ 8,53%).

Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng: Tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn khá phổ biến, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổ chức bầu cử, từ khâu lựa chọn giới thiệu người ứng cử đến khâu bầu cử.

Cụ thể như, một số nơi lựa chọn người ứng cử là phụ nữ chưa thật sự tiêu biểu, thậm chí chọn những phụ nữ "nhẹ ký" với mục đích "đệm lót"; khoác cho nữ ứng cử viên quá nhiều cơ cấu kết hợp như tuổi trẻ; cán bộ cơ sở, dân tộc thiểu số….

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn