Dự kiến ngày 20/7, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 thương lượng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên là người lao động và chủ sử dụng lao động. Quyết định vấn đề này phải dựa trên đối thoại, thỏa thuận của giới chủ sử dụng và người lao động để tìm ra điểm chung rồi thống nhất mức tăng cụ thể.
Ông Doãn Mậu Diệp cũng bày tỏ mong muốn 2 bên đối thoại, thương lượng trên tinh thần chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động để hài hòa lợi ích trên cơ sở thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Cụ thể:
Phương án 1, lương tối thiểu vùng 2018 tăng thêm từ 130.000 đến 180.000 đồng (trung bình tăng 5%).
Phương án 2, tăng thêm từ 160.000 đến 220.000 (trung bình là 6%).
Phương án 3, tăng thêm từ 180.000 đến 250.000 đồng (trung bình là 6,8%).
Sau các phiên họp ấn định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tăng lương tối thiểu vùng, dự kiến áp dụng từ 1/1/2018.
Mức lương tối thiểu hiện nay đang được áp dụng là:
- Mức 3.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
- Mức 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
- Mức 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
- Mức 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV;