3 rủi ro của người bán hàng online

08:17 | 18/07/2017;
Không chỉ người tiêu dùng mới mắc phải các chiêu lừa, chịu thiệt hại khi mua hàng online, mà người bán hàng chân chính qua facebook cũng phải đối mặt với không ít rủi ro khi kiếm tiền trên chợ mạng.
Không phải chi tiền thuê cửa hàng và nhiều phụ phí đi kèm khác, những tưởng bán hàng online sẽ dễ dàng thu về lợi nhuận. Nhưng rắc rối đến từ bạn hàng, khách hàng, người giao hàng... có thể làm những người bán hàng online giàu kinh nghiệm nhất cũng cảm thấy nản lòng.

Nỗi lo bị cướp kho kĩ thuật số

Bị  “cướp trên giàn mướp”. Câu "tục ngữ hiện đại" này hoàn toàn đúng trong trường hợp của anh Thành (phố Bát Khối, Long Biên, Hà Nội), chủ shop kinh doanh cây giống đặc sản tại trang https://www.facebook.com/caygiongdacsan/ Anh Thành chuyên kinh doanh những cây giống độc và lạ như: ổi sim Mĩ, xoài tím, cherry Brazil, chanh ngón tay Úc, cóc Thái, si-rô, chuối Dacca Úc, sung tím, dâu da xanh Thái Lan… Trang bán hàng Cây giống đặc sản của anh Thành luôn nhộn nhịp khách hàng vào bình luận, để lại thông tin, số điện thoại để được tư vấn về cây giống hoặc đặt mua sản phẩm. Đây cũng là kho dữ liệu mà đối thủ cạnh tranh của anh Thành lợi dụng để gạ gẫm và cướp khách hàng của anh. Họ lấy số điện thoại của khách hàng, gọi điện đến để chào mời, thậm chí, cả mạo danh anh Thành để giao hàng cho khách. Nhiều khách hàng mua cây nghĩ là anh Thành gọi điện, tin tưởng đặt mua. Khi nhận hàng, họ mới biết bị lừa vì giao cây sai chủng loại, cây kém chất lượng… Anh Thành đã không ít lần phải cảnh báo khách hàng trên trang cá nhân của mình.

cay-giong.jpg
Cảnh báo của anh Thành gửi đến khách hàng

Chị Thu, chủ cửa hàng bán thực phẩm sạch tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội, vô cùng hoang mang khi liên tục nhận được phản ánh của khách hàng vì sản phẩm tôm Bắc Cực của cửa hàng bán không đảm bảo chất lượng. Điều đáng nói là cửa hàng của chị không phân phối sản phẩm đó. Tìm hiểu rõ ngọn ngành, chị Thu mới biết lý do: Một nhân viên của cửa hàng vừa bị chị cho nghỉ việc, đã lấy tất cả thông tin khách hàng của chị, tự ý liên hệ, mạo danh cửa hàng để bán tôm Bắc Cực và nhiều sản phẩm không rõ xuất xứ cho những khách quen của cửa hàng.

Câu chuyện đánh cắp số điện thoại, email, địa chỉ khách hàng để lại khi đặt hàng luôn xảy ra. Vì vậy, anh Thành cũng như nhiều người bán khác thường khuyên khách hàng nhắn tin riêng với người bán, để tránh bị lộ thông tin cá nhân. Ngoài ra, khách hàng cũng nên lưu số điện thoại của người bán hàng, để tránh bị những cuộc gọi lạ chào mời, hẹn giao hàng… làm phiền. 
 
Khách hàng "bỏ bom"

Đôi khi, với những người bán hàng online, rủi ro họ gặp phải chính từ phía khách hàng. Thanh Tâm (khu đô thị Trung Hòa, Hà Nội) chuyên bán túi xách, nước hoa và mỹ phẩm đặt hàng từ Mỹ và châu Âu. Các mặt hàng có giá trị khá lớn nên khi khách có yêu cầu, Tâm mới nhờ đầu mối bên nước ngoài mua hàng và gửi về. Thông thường, Tâm sẽ nhận trước khoản tiền tương đương 30% giá trị của đơn hàng. Nhưng với những người đã mua vài lần, để giữ chân khách quen, Tâm không thu trước khoản phí đặt trước đó. Không có gì ràng buộc, khách hàng thích thì mua, không thích thì không nhận món hàng đó. Báo hại, Thanh Tâm đành phải thanh lý với giá rẻ để thu hồi lại vốn.
online-1.jpg
Tuy chỉ bán đồ ăn vặt, nhưng chị Hà vẫn bị khách bỏ bom

Chị Thu Hà (phố Linh Lang, Hà Nội), vừa ở nhà trông con, vừa làm đồ ăn bán online để kiếm thêm thu nhập. Hàng chị bán chỉ là các món ăn vặt như bánh gối, bánh bột lọc, bò khô, trà sữa… Giá trị mỗi đơn hàng không cao nên khi giao hàng chị mới thu tiền. Nhưng không ít lần, chị Hà bị khách bỏ bom. Mang hàng đến đúng giờ, đúng địa chỉ yêu cầu, nhưng gọi điện thoại cả mấy chục lần, đều không ai nhấc máy điện thoại. Gọi cửa không có người thưa. Chị Hà ngậm ngùi mang hàng về. Đồ ăn đã làm theo đặt hàng riêng thì khó thanh lý, cả nhà chị Hà đành phải xử lý.

Dù biết phải chiều khách hàng như thượng đế nhưng để tránh rủi ro, nhiều người bán hàng online chỉ nhận thu phí đặt cọc rồi mới giao hàng, dẫu điều đó có thể làm người mua phật lòng.

Nỗi lo người vận chuyển

Với những người bán hàng online, shipper (người giao hàng) góp phần không nhỏ giúp việc kinh doanh đạt hiệu quả. Khoản phí giao hàng thường dao động từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng, tùy thuộc vào quãng đường, do người bán hoặc người mua chịu hoặc chia đôi, tùy theo thỏa thuận. Tuy nhiên, dù ai chịu khoản này, để tiết kiệm tiền ship, người bán thường tìm trên các trang web hay nhóm của những người giao hàng, với mức giá mềm hơn thuê công ty giao hàng chuyên nghiệp. Không phải là mối ruột, nên không phải việc giao hàng lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ.

Thuê người chuyển bánh ngọt từ Nguyễn Văn Cừ đến Quán Thánh. Dặn dò người giao cẩn thận, thậm chí trả phí giao hàng cao hơn yêu cầu, nhưng chị Bảo Anh vẫn phải nghe khách hàng mắng vốn vì người giao hàng chạy xe ẩu, khi đến nhà người mua, những chiếc bánh đẹp là thế đã bị xô lệch, lớp kem trang trí bị nhòe nhoẹt. Vừa thiệt hại vì hỏng hết lô bánh. Nhưng điều chị Bảo Anh buồn hơn là làm lỡ việc của khách và uy tín của mình bị ảnh hưởng không nhỏ.

online.jpg
Rủi ro chị Bảo Anh gặp phải khi giao hàng

Chị Thanh Huyền, bán mỹ phẩm nhận được bài học xương máu khi thuê shipper. Bán một cây son Mac trị giá 650.000 đồng, người mua đã trả tiền vào tài khoản, chị Huyền liên hệ được một shipper số điện thoại 0915xxxx10 trên trang Ship tìm người – Người tìm ship. Lúc chị Huyền giao hàng là son xịn, nhưng khi đến tay người mua, cây son đã bị tráo thành cây son giả. Người shipper nhất định từ chối trách nhiệm, chị Huyền đành bấm bụng đền cho khách cây son khác để giữ chứ tín. Tìm được một người giao hàng thân quen có uy tín, trách nhiệm luôn là mong muốn của những người bán hàng online.

Rủi ro khi bán hàng qua mạng không phải là ít. Không phải người mua nào cũng hiểu và cảm thông, nhưng những người bán hàng online chân chính vẫn luôn nỗ lực hạn chế thiệt hại cho bản thân và khách hàng.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn