Cùng bước vào hôn nhân, cùng trở thành con của những bậc phụ huynh mới, nhưng từ xưa đến nay, chúng ta thường chỉ được nghe nhiều về việc phụ nữ phải "học làm dâu", chứ chẳng thấy ai nói đàn ông cũng nên "học làm rể".
Để hạn chế những xung đột trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, phụ nữ đừng quên thẳng thắn chia sẻ, thảo luận 3 điều dưới đây với người đàn ông sắp trở thành chồng của mình.
Ngày gả con gái đi, nhiều người cha, người mẹ nói với con rằng: "Bố mẹ ốm nhớ về chăm đấy nhé!", nhưng lại luôn dặn dò con gái phải phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ chồng thật tốt. Điều này vô tình khiến nhiều người phụ nữ tin rằng đi lấy chồng nghĩa là gia đình nhà chồng luôn phải là ưu tiên thứ nhất.
Đã qua lâu rồi cái thời con dâu muốn về nhà ăn cơm với bố mẹ đẻ phải được sự cho phép của nhà chồng, hay phải lén lút báo hiếu, mua quà tặng mẹ, tặng cha.
Bố mẹ sẽ vì thương và nghĩ cho bạn mà có thể chẳng bao giờ yêu cầu bạn phải thường xuyên về nhà. Thậm chí, ốm đau cũng sẽ giấu đi vì sợ bạn bận rộn với gia đình, với bố mẹ chồng. Nhưng đừng vì bố mẹ không yêu cầu, hay những định kiến xưa cũ mà quên chăm sóc, báo hiếu cha mẹ mình.
Hãy thẳng thắn và mạnh dạn nói với chồng bạn rằng: "Nếu bố mẹ anh và bố mẹ em cùng ốm, anh chăm bố mẹ anh, em chăm bố mẹ em".
Thêm bố, thêm mẹ là thêm trách nhiệm, là cùng nhau chăm sóc cho bố mẹ hai bên chứ không phải là đàn ông có thêm người hỗ trợ trên hành trình báo hiếu, còn phụ nữ phải đặt máu mủ ruột thịt xuống dưới những người không sinh thành, dưỡng dục mình.
Mẹ chồng là người mà mọi nàng dâu nên biết ơn vì nếu không có người phụ nữ ấy, cũng sẽ không có người đàn ông bạn đang yêu lúc này. Nhưng biết ơn không đồng nghĩa với việc phụ nữ phải làm mọi cách, phải hy sinh sự thoải mái hay giấu đi tiếng nói của bản thân chỉ để làm mẹ chồng vui vẻ, hài lòng.
Hơn nữa, mẹ chồng cũng không phải là người chỉ gặp một vài lần rồi có thể tránh mặt cả đời. Ngày nào phụ nữ còn chung sống với chồng, ngày đó mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu còn ảnh hưởng đến hôn nhân của bạn.
Vì thế, tốt hơn hết là hãy sống chân thành, và lễ phép với người phụ nữ đã sinh ra chồng mình.
Nhiều người vẫn thường nói với nhau rằng: "Thời đại này, những thứ xuất phát từ trái tim chưa chắc đã tới được trái tim". Vậy thì vài món quà đắt tiền, vài lời nịnh nọt thảo mai có nghĩa lý gì khi trong lòng bạn không thực sự muốn tặng, không thực sự muốn nói?
Kết hôn là hành trình chung sống, xây dựng tổ ấm của những người yêu nhau. Đó chưa bao giờ là cuộc thi nàng dâu ngoan được mẹ chồng yêu nhất. Vì thế, chẳng có lý do gì để phụ nữ phải gồng mình lên để lấy lòng mẹ chồng. Hãy nhớ, chân thành và lễ phép mới là kim chỉ nam trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.
Đừng nghĩ rằng chuyện phụ nữ, đàn ông làm sao hiểu được. Điều đó có thể đúng trong bất cứ trường hợp nào ngoại trừ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Bởi đó là hai người phụ nữ quan trọng và có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời của một người đàn ông.
Một bên là mẹ, một bên là vợ cũng là điều khó nghĩ, khó xử. Nhưng đó không phải là lý do có thể chấp nhận được để một người đàn ông đứng ngoài những mâu thuẫn giữa vợ và mẹ.
Một người phụ nữ đi lấy chồng, người chồng là người duy nhất trong gia đình mà cô ấy có thể hoàn toàn tin tưởng, dựa vào. Nếu như trong gia đình, anh ấy luôn chỉ nghĩ cho mẹ trước tiên và để mặc bạn xoay sở với những bất đồng, không lên tiếng bảo vệ, cũng chẳng khuyên nhủ, dạy dỗ, liệu đó có thể là chỗ dựa cho bạn trong cuộc sống đầy sóng gió ngoài kia?
Làm vợ - làm dâu là những nghĩa vụ song song của phụ nữ. Có lý do gì mà làm chồng - làm con lại là thứ đàn ông có thể lựa chọn việc tạm thời quên đi một trong hai?
Khi quyết định bước vào hôn nhân, chẳng có người phụ nữ nào mong mình sẽ gặp mâu thuẫn hay bất đồng với mẹ chồng. Bởi thế, ngoài việc lễ phép đúng phận làm con, phụ nữ cũng đừng quên phải thật cứng rắn và bản lĩnh, để nếu không thể tốt nghiệp bài học làm dâu với số điểm tuyệt đối, bạn cũng sẽ không phải chịu bất cứ sự ấm ức, tủi hờn nào.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn