Giữ ấm vào mùa đông là điều rất quan trọng, vừa giúp mọi người cảm thấy thoải mái lại có thể phòng ngừa được các vấn đề sức khoẻ nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số phương pháp làm ấm cơ thể mà nhiều người thường làm có thể gây ngộ độc, đột quỵ.
Vào những ngày nhiệt độ xuống mức dưới 10 hoặc 15 độ C, nhiều gia đình thường đốt than trong nhà để sưởi ấm. Tuy nhiên, đây là phương pháp sưởi ấm tiềm ẩm rất nhiều rủi ro, đặc biệt trong phòng kín, có thể dẫn tới ngộ độc CO.
Trong khói than có chứa rất nhiều thành phần độc hại như CO2, nitơ oxit (NOx), cacbon monoxit (CO), fomandehit (HCHO), muội than, lưu huỳnh oxit (SOx), hydrocacbon chưa cháy hết (CnHm),... Các chất này đều gây hại cho sức khoẻ con người.
Trong đó, CO là một chất có thể gây ngộ độc với các triệu chứng ở mức độ vừa đến nặng. Khí CO kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc Hemoglobin, khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể. Do đó, tế bào thiếu hụt oxy và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Ở mức độ nhẹ, ngộ độc CO có thể gây đau đầu, buồn nôn, nôn ói, hoa mắt, khó thở. Khi hít phải khí này càng lâu thì các triệu chứng càng tồi tệ có thể gây co giật, lú lẫn,... tiếp xúc trong khoảng 2 giờ có thể gây mất ý thức hoặc thậm chí là đe doạ tính mạng. Ngoài ra, ngộ độc CO còn có thể gây ra các di chứng như giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung, cơ mặt bị liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
Ngộ độc CO còn được ví như "kẻ giết người thầm lặng" vì CO là một chất không màu, không mùi nên rất khó phát hiện. Khí CO thường tiêu tan nhanh chóng ngoài trời nhưng có thể đe doạ tính mạng con người khi tích tụ trong không gian kín.
Ngoài khí CO, các chất thải khác từ than đốt cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc về bệnh hô hấp và bệnh phổi, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em hoặc người già.
Đốt than sưởi ấm trong phòng kín cũng làm tăng nguy cơ hoả hoạn hoặc bỏng. Do đó, bạn không nên đốt than sưởi ấm trong phòng kín. Để giữ ấm cho cơ thể khi ở trong nhà, bạn có thể lựa chọn các biện pháp khác như sử dụng điều hoà, mặc đủ quần áo ấm, đeo tất, găng tay, mũ và nhâm nhi vài tách trà ấm.
Bạn có thể cảm thấy cơ thể ấm hơn khi uống rượu. Điều này xảy ra là do khi uống rượu, gan sẽ chuyển hoá rượu thành nước và carbon monoxide, trong quá trình hoạt động này, gan có thể tạo ra nhiệt. Hơn nữa, rượu cũng hoạt động như một chất làm giãn mạch máu và làm tăng lưu lượng máu đến da. Điều này có thể làm tăng nhiệt độ da, tạm thời khiến bạn cảm thấy ấm áp.
Tuy nhiên, uống rượu sẽ tạo cảm giác ấm "giả", lấy đi nhiệt từ các cơ quan quan trọng của bạn và làm giảm nhiệt độ cơ thể tổng thể của bạn. Hiệu ứng này trở nên trầm trọng hơn khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh và có thể dẫn tới hạ thân nhiệt.
Triệu chứng của hạ thân nhiệt bao gồm run rẩy, da nhợt nhạt, nói lắp bắp, thở chậm, mệt mỏi, môi có thể chuyển sang màu xanh. Hạ thân nhiệt nghiêm trọng có thể khiến tim và hệ hô hấp bị suy yếu, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, những người bị huyết áp cao uống rượu vào thời tiết lạnh còn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Điều này là do rượu làm giãn mạch máu, trong khi thời tiết lạnh có thể làm co mạch máu, sự thay đổi đột ngột này có thể gây nguy hiểm.
Có rất nhiều loại đồ uống lành mạnh mà bạn có thể uống để làm ấm cơ thể như trà gừng, trà bạc hà, nước ép táo, trà nghệ,...
Tắm nước ấm hoặc nước nóng vào mùa lạnh là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, việc tắm nước quá nóng có thể dẫn tới sốc nhiệt.
Khi tắm với nước quá nóng, các mạch máu sẽ giãn nở nhanh chóng, dẫn đến huyết áp giảm đột ngột. Sự thay đổi huyết áp nhanh chóng này có thể gây căng thẳng cho cơ thể, có thể khiến người đó ngất xỉu hoặc bị đột quỵ.
Hơn nữa, tắm nước quá nóng cũng sẽ làm mất độ ẩm của da, khiến da khô và bong tróc. Đặc biệt, những người bị viêm da có thể gặp các triệu chứng trầm trọng hơn.
Vậy tắm vào mùa đông như thế nào mới đúng cách?
Để phòng ngừa hạ huyết áp hoặc đột quỵ khi tắm vào mùa đông, mọi người nên lưu ý:
- Làm ấm phòng tắm và khu vực cởi quần áo trước khi tắm.
- Giữ nhiệt độ nước tắm dưới 41 độ C và tránh ngâm mình trong bồn tắm quá 10 phút.
- Tránh đứng dậy đột ngột trong bồn tắm.
- Không nên tắm ngay sau khi ăn, uống rượu hoặc uống thuốc.
- Không nên tắm muộn
- Làm ướt cơ thể đúng cách, nên xả nước từ từ bắt đầu ở chân, rồi đến tay, bụng và ngực,...
- Giữ ấm cơ thể sau khi tắm
Ngoài việc tránh thực hiện 3 việc làm trên, để bảo vệ sức khoẻ mùa đông, mọi người nên:
- Xây dựng chế độ ăn uống một cách lành mạnh: Bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau củ quả, các loại hạt, trứng, cá,... hạn chế thực phẩm nhiều đường và nhiều dầu mỡ. Vào mùa đông, bạn nên ăn nhiều các món súp hơn, vừa đa dạng dinh dưỡng lại giúp tăng cường miễn dịch, tốt cho hệ hô hấp.
- Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên duy trì thói quen tập thể dục vào mùa lạnh nhưng tránh tập thể dục quá sớm hoặc khi thời tiết xuống mức thấp, khi tập thể dục nên khởi động và làm ấm cơ thể trước đó.
- Uống đủ nước: Mặc dù thời tiết khá lạnh nhưng bạn vẫn nên bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, ưu tiên uống nước hoặc trà ấm.
- Hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp: Nếu nhất thiết phải ra ngoài, bạn nên mặc nhiều lớp quần áo và đi giày, tất, găng tay, khăn quàng cổ và mũ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn