3 tình huống dù đối phương nói hay đến đâu cũng không nên cho mượn tiền

19:12 | 26/05/2023;
Nếu gặp 3 tình huống này, hãy cân nhắc thật kỹ khi quyết định giúp đỡ họ về mặt tài chính.

Tronng cuộc sống, có nhiều người khó nói lời từ chối người khác, đặc biệt là khi bạn bè hỏi vay tiền. Nếu cho mượn thì ta sợ cảnh tiền đi và không bao giờ trở lại. Nhưng nếu từ chối, ta lại sợ làm tổn thương đối phương rồi đánh mất mối quan hệ. 

Tuy nhiên với 3 trường hợp sau, bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi rút tiền để giúp đỡ người khác, nếu không muốn vừa mất tiền vừa mất mối quan hệ.

3 tình huốngdù đối phương nói hay đến đâu cũng không nên cho mượn tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

1. Không cho vay mượn quá khả năng cho phép

Bạn nên nhớ rằng số tiền vay mượn không nên vượt quá khả năng tài chính. Nhiều người có tính cá nể thường cho bạn bè hoặc người thân vay mượn khoản tiền lớn. Sau đó, họ chấp nhận cảnh sống tiết kiệm, không dám tiêu pha quá tay vì số dư trong ngân hàng còn lại quá ít ỏi.

Trường hợp tệ hơn, nhiều người còn sẵn sàng ký tên vào hợp đồng thế chấp tài sản, hoặc đi vay nặng lãi để có tiền cho người khác vay nợ. Và thế là khi con nợ thực sự không còn khả năng chi trả, họ phải "gánh còng" lưng khoản nợ của người khác. 

3 tình huốngdù đối phương nói hay đến đâu cũng không nên cho mượn tiền - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Thực tế, bạn không có nghĩa vụ phải cắt giảm chi tiêu để ai đó có cuộc sống thoải mái hơn. Bạn cho người khác vay tiền thì đó là nghĩa cử hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, cuộc sống này vẫn trôi qua bình thường nếu như bạn nói lời từ chối khi ai đó gặp khó khăn về tài chính. 

Nếu đối phương tỏ ra khó chịu, nói lời xúc phạm hoặc doạ cắt đứt liên lạc khi bạn không cho anh ta vay tiền, tốt hơn hết là bạn nên đánh giá lại mối quan hệ của mình. Khi đó, hãy tự hỏi, mình có cần người bạn sống thiếu lý lẽ thế này không.

Bên cạnh đó, hãy đảm bảo khi cho người khác vay tiền, bạn xác định được khoảng thời gian và khả năng trả lại tiền của đối phương. Điều quan trọng hơn cả là không nên đi vay nợ hộ người khác, dù cho mối quan hệ giữa bạn và họ có thân quen đến đây.

2. Không cho người mới quen vài ngày vay tiền

Nếu có người hỏi vay bạn số tiền lớn, bạn cần luôn tự hỏi bản thân những mẫu câu quen thuộc như: "Anh ta là người thế nào?", "Năng lực tài chính bao nhiêu", "Nếu quá hạn trả tiền mà anh ta không phản hồi, tôi có thể tìm đến ai để tìm sự hỗ trợ"... Và với những người mà bạn chỉ gặp đôi ba lần, có phải rất khó để bạn trả lời hết những câu hỏi đó?

Ngoài ra, có một sự thật về tâm lý rằng chúng ta thường có thói quen hỏi vay tiền từ những người thân thiết nhất. Bởi khi đó, ta không cần chịu lãi vay quá lớn, cũng như đau đầu tìm cách giải thích khi đến hạn đòi mà chưa có tiền trả lại. 

Do đó, nếu như người mới quen vay tiền từ bạn, có phải bạn cũng nên hỏi lại anh ta tại sao không tìm kiếm giúp đỡ từ những người đã quen biết lâu hơn? Rủi ro lớn nhất đó là những người thân thiết nhất cũng đã từ chối anh ta. Sau đó anh ta mới tìm đến bạn vì nghĩ bạn không biết nhiều về mình.

3 tình huốngdù đối phương nói hay đến đâu cũng không nên cho mượn tiền - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

3. Không cho người thân tính xấu vay tiền

Chúng ta thường nói, có vay thì sẽ có trả. Nhưng người thân có lối sống không tốt thì sẽ chẳng thèm quan tâm bạn có đang sống khổ sở kể cả khi đã trích tiền riêng gửi gắm anh ta. 

Nếu may mắn, anh ta có thể trả bạn đầy đủ khoản vay kể cả khi hạn trả nợ đã muộn quá lâu. Nếu xui xẻo, bạn có thể mất cả tiền và người thân nếu như anh ta không bao giờ kiếm đủ tiền trả nợ. Với danh nghĩa "người thân", họ có thể dùng nó để trách cứ và hoãn lịch trả nợ với lý do bạn không thấu hiểu cho tình cảnh của họ.

Mặt khác, cũng có kiểu người thân thế này, khi vay tiền bạn họ sẽ dùng lời nói ngon ngọt. Họ quá quen với việc mượn tiền từ bạn. Do đó khi bạn nói lời từ chối, họ sẽ liên tục đến nhà làm phiền, dùng trách nhiệm của hai từ "người thân" để bắt ép bạn phải cho vay tiền. Với kiểu người thân nhưng mối quan hệ tồi tệ này, lời khuyên là bạn nên dứt khoát "nói không" với họ ngay từ ban đầu.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn