Người ta nói rằng, tu trăm năm mới đi cùng thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối. Giữa biển người mênh mông, vợ chồng gặp được nhau chính là duyên phận hiếm có, nhất định phải trân trọng.
Không ít người luôn coi hôn nhân là cái kết của tình yêu, bước vào đó là đôi bên có thể thoải mái sống không cần để ý tới điều gì. Tuy nhiên, đó chính là suy nghĩ có thể khiến một cuộc hôn nhân kết thúc trong những sai lầm.
Dù ở trong thời điểm nào, hôn nhân cũng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của cả đôi bên. Tình yêu như một sợi dây mà mỗi đầu là một người. Chỉ cần một người dùng sức quá mạnh hoặc buông hờ tay, sợi dây ấy sẽ quá căng hoặc chùng xuống.
Phụ nữ bước chân vào cuộc sống gia đình, điều gì có thể quên nhưng 3 “triết lý” này nhất định phải nhớ giúp cuộc sống ngày càng hạnh phúc, hôn nhân bền lâu.
Cô gái trẻ nọ muốn chồng đến đón mình sau giờ tăng ca nhưng vì anh có việc đột xuất nên không thể đến được, chỉ gọi taxi cho cô về. Tình cờ lúc đó có người đồng nghiệp đi qua, chủ động đề nghị đưa cô về nhà vì dù sao cũng đã muộn.
Về đến nhà, cô không ngừng trách móc chồng đã không còn yêu mình như trước. Một người đồng nghiệp còn có thể đưa cô về trong khi anh là chồng cô nhưng lại chẳng thể làm vậy.
Nghe những lời vợ nói, anh không giấu nổi sự thất vọng của mình. Chỉ vì một lần không thể qua đón vợ, cô đã cho rằng anh không bằng người đồng nghiệp kia. Một lần lỡ việc thôi dường như đã xóa nhòa mọi điều tốt đẹp trước đó.
Bước chân vào cuộc sống hôn nhân, khi đã quá quen với sự có mặt của đối phương, chúng ta dễ coi đó là điều hiển nhiên nhất. Sự mới lạ ở bên ngoài khiến ta xao xuyến, không khỏi thất vọng với cuộc sống hiện tại của mình.
Nhưng hãy nhớ rằng, hôn nhân là cuộc sống của cơm áo gạo tiền, của đủ những lo toan. Nó không đơn giản là chuyện tình cảm giữa hai người. Đừng vì sự mới lạ bên ngoài mà lãng quên người đầu gối tay ấp với ta, quên đi lý do hai người đã đến với nhau và mong muốn xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Giữa người với người, tình cảm với tình cảm, điều tối kỵ là so đo lẫn nhau.
Có người phụ nữ nọ sau khi kết hôn được chồng hết mực thương yêu, cuộc sống không đến mức giàu có nhưng nhìn chung không phải lo lắng đến chuyện cơm ăn áo mặc. Tuy nhiên, nhìn chồng của bạn bè làm giám đốc công ty này, quan chức cơ quan kia, cô không khỏi so sánh khi nghĩ đến người chồng lập trình viên của mình.
Cô muốn có được cuộc sống bằng bạn bằng bè. Dù tài chính không cho phép, cô vẫn quyết tâm phải vay tiền để mua nhà ở khu nhà giàu. Trong đầu cô luôn ám ảnh bởi cuộc sống đáng mơ ước của ai kia, thất vọng với cuộc sống thực tế của mình.
Đối mặt với sự nhiếc móc của cô, anh vẫn luôn bao dung và cho rằng vợ mình còn trẻ nên không tránh khỏi sự phù phiếm, bồng bột. Cho đến một ngày, khi phát hiện vợ đã tự ý đi vay nặng lãi để mua nhà ở khu nhà giàu cho bằng với ai kia, anh không còn giữ nổi sự bình tĩnh của mình. Như giọt nước tràn ly, cuộc hôn nhân của họ rơi vào cảnh đổ vỡ. Chính sự bất mãn, thích phù phiếm và thích so sánh của cô đã khiến cuộc hôn nhân bên bờ vực thẳm.
Những người có cuộc sống hạnh phúc luôn biết cách tận hưởng từng phút giây và biết ơn với những gì mình đang có. Họ hiểu hạnh phúc là điều không bao giờ so sánh được. Nếu bạn luôn sống trong sự so sánh với người này người kia, bạn sẽ chỉ thấy mình mắc kẹt trong sự khốn khổ, thảm hại.
Kết quả của những phép so sánh tiêu cực nhiều hơn tích cực. Vậy tại sao bạn phải so sánh với ai kia? Cuộc sống là của chính bạn, hãy sống cho bản thân, không phải để người khác nhìn.
Trong hôn nhân, sợ nhất là chúng ta có thói quen coi mình là nạn nhân mà bỏ qua sự thật rằng nửa kia cũng là người cần được vỗ về, yêu thương. Mối quan hệ nào cũng vậy, khi một người luôn đóng vai trò là người cho đi và nhận lại ít ỏi, sau một thời gian dài, họ sẽ dần mỏi mệt về kiệt sức, không còn điều gì muốn níu giữ.
Đừng quá ích kỷ, tự cho mình đặc quyền được người khác chở che yêu thương mà không cần làm bất cứ điều gì. Hãy học cách yêu thương người khác khi muốn được yêu thương. Cuộc hôn nhân bền chặt là khi đôi bên cùng có động lực để tiếp tục kiên trì, luôn thấy được giá trị bản thân mình cũng như tình cảm đôi bên dành cho nhau.
Lưu Hiểu Khánh từng viết trong cuốn Đời người đừng sợ bắt đầu lại: "Khi bạn ở trên cao, tôi sẽ nhìn bạn tỏa sáng; nếu bạn rơi xuống thung lũng sâu, tôi sẽ đến nhẹ nhàng đến bên, ôm bạn vào lòng và mang đến cho bạn sự ấm áp."
Hôn nhân thực sự là như vậy. Đó là quan tâm lẫn nhau, trái tim kết nối với trái tim, đôi bên đồng cảm, bao dung và biết nghĩ cho nhau. Đàn ông hay phụ nữ cũng vậy, luôn cần nhớ rằng không chỉ có mình mà đối phương cũng là người cần được quan tâm, đừng mặc định ai đó luôn là người phải nhún nhường khi có mâu thuẫn.
Trạng thái tốt nhất của tình yêu là duy trì sự cân bằng trong quan hệ, đôi bên cùng thông cảm và thấu hiểu sự vất vả của nhau trong cuộc sống gia đình. Chỉ bằng cách đó, sợi dây kết nối hôn nhân mới bền chặt; nhiệt độ của hôn nhân mới không hạ thấp, nguội lạnh; vợ chồng ngày càng hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn