Cùng với lý thuyết về tiết kiệm, dạy trẻ tiêu tiền khôn ngoan còn phức tạp hơn nhiều. Neales S. Godfrey khẳng định quy tắc chung để lôi cuốn một người (kể cả người lớn) vào việc tiết kiệm tiền là như nhau, dù là em bé 6 tuổi hay đã 16 tuổi. Phương pháp chung để tiết kiệm là:
- Đặt mục tiêu tài chính cho con bạn
- Giúp trẻ kiếm số tiền cần thiết trong thời gian nhất định
- Cùng tận hưởng thành quả
Neales S. Godfrey, nhà sáng lập The first Children's Bank (Nguồn: thethreetomatoes.com) |
Từ đó, Godfrey xây dựng một kế hoạch tiết kiệm theo 3 cách:
- Thứ nhất, cung cấp cho con thứ để tiết kiệm. Trẻ sẽ phải có một nguồn tiền, tốt nhất là do trẻ kiếm ra, và dùng số tiền đó để tự tiết kiệm.
- Thứ hai, cung cấp một nơi thích hợp cho trẻ cất tiền tiết kiệm. Đó có thể là một cái hũ, cái lọ hay két đồ chơi.
- Thứ ba, quan sát quá trình và khuyến khích, động viên. Đặt ra những mục tiêu có thể đạt được và ngợi khen khi con tiết kiệm thành công.
Nên tạo cho con một hình thức tiết kiệm đơn giản, dễ thực hiện để nó trở thành một thói quen hàng tuần. Hãy cho con tiền tiêu vặt chính xác tới từng đồng lẻ và phát vào đúng thời điểm nhất định trong tuần. Hãy đảm bảo con có một chỗ đặc biệt an toàn để cất tiền. Nếu con đang tiết kiệm để mua một món đồ nào đó, cha mẹ hãy dán một tấm hình món đồ con cần mua vào hũ tiết kiệm để nhắc nhở con. Con càng dễ học được thói quen để dành tiền.
Với trẻ từ 2 đến 4 tuổi, cha mẹ cần cắt nghĩa cho con hiểu tiền bạc là gì trước khi bắt đầu nói chuyện tiết kiệm. Các trò chơi: Nhận dạng tiền xu, dạy trẻ cách xác định một đồng xu theo 3 cách: Theo kích cỡ, theo tên và theo trị giá; trò chơi tiền lẻ: Dạy trẻ cách đếm tiền và hiểu được giá trị của chúng,… Sau khi tính xong mỗi nhóm tiền, cha mẹ hãy giúp trẻ tính tổng cộng.
Với trẻ từ 5 đến 8 tuổi, chuẩn bị những chiếc hũ hay chiếc bình dùng để đựng riêng tiền tiết kiệm; tiền tiêu sẽ để ở một chỗ khác, như trong ví chẳng hạn. Mỗi tuần khi cho con tiền tiêu vặt, hãy cùng con ký gửi tiền vào hũ tiết kiệm đó.
Godfrey khẳng định cha mẹ nên cho con tiền tiêu vặt khi trẻ bước vào tuổi lên 3 (Nguồn: Internet) |
Godfrey đặt ra vấn đề: Khi nào nên cho trẻ tiền tiêu vặt? Bà khẳng định, đó là từ khi con lên 3 tuổi. Vì khi con đã hiểu cha mẹ vào cửa hàng để mua đồ bằng tiền, nghĩa là đã đến lúc dạy con về tiền. Thay vì đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của con với những gì con muốn, cha mẹ nên quy định những việc ‘được trả lương’ và những việc bắt buộc. Ví dụ, cha mẹ có thể trả lương cho những việc phát sinh đột xuất: Mang đồ ra khỏi xe sau chuyến mua sắm, nghe điện thoại trong lúc cha mẹ tắm,… Có những việc đặc biệt không trả tiền cho con như đánh răng, được điểm tốt, đi ngủ đúng giờ…
Để giúp con thực hành tốt việc tiết kiệm, cha mẹ cần giúp con hiểu rằng đây không phải một chương trình trợ cấp, cha mẹ không nợ con tiền chi tiêu. Khoản tiêu vặt là tiền mà trẻ kiếm được bằng cách là một thành viên chăm chỉ, biết đóng góp cho gia đình.
Từ số tiền tiết kiệm được, cha mẹ cần hướng dẫn để con hiểu về giá trị của tấm lòng hào phóng như từ thiện, chia sẻ. Đồng thời, con có nghĩa vụ khiến ngôi nhà của mình đầm ấm hơn, gọn gàng hơn và là nơi đáng sống.
* Neales Godfrey từng là giám đốc một ngân hàng dành cho phụ nữ, ngân hàng đầu tiên dành cho trẻ em, bà cũng là một người mẹ, một công dân trách nhiệm nên bà coi việc được làm việc với phụ nữ trẻ em là mối quan tâm số một. * Năm 1990, trước Godfrey chưa có ai nghĩ tới việc chuyển tài cách dạy con về tiền qua sách. Bà cho rằng vì chưa từng có một chuyên gia nuôi dạy nào vừa là chuyên gia tài chính. Rất nhiều người lớn, đặc biệt phụ nữ - những người chăm sóc chính của trẻ em lại không hiểu biết nhiều về tiền bạc. Đây là một lý do lớn thôi thúc bà viết cuốn sách ‘Money doesn’t grow on trees’, cuốn sách trở thành bestseller của tờ New York Times trong nhiều năm liền. |