Huyết áp cao là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ. Bác sĩ David Majure, Giám đốc của Trung tâm Y tế Weill Cornell, Mỹ cho biết: “Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra suy tim là tình trạng huyết áp cao (tăng huyết áp) và bệnh tim mạch vành”.
Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đi nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Tình trạng huyết áp cao có thể làm hỏng các động mạch và làm tăng khối lượng công việc của tim và mạch máu. Theo thời gian, huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của tim và mạch máu, thậm chí có thể khiến tim ngừng bơm máu. Dưới đây là 3 yếu tố nguy cơ và 2 dấu hiệu cảnh báo tình trạng huyết áp cao mà nhiều người bỏ qua.
Căng thẳng kéo dài và không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao. Căng thẳng thường xuyên có thể khiến tim đập nhanh hơn, làm cho các mạch máu co lại và tăng huyết áp. Việc căng thẳng quá mức nếu diễn ra thường xuyên sẽ khiến tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim hoặc thậm chí là đột quỵ.
Bác sĩ tim mạch phòng ngừa Luke Laffin cho biết: “Yếu tố lối sống chiếm 70% và dùng thuốc chiếm 30% trong việc kiểm soát tình trạng tăng huyết áp". Do đó, việc giải tỏa căng thẳng có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc huyết áp cao và phòng ngừa bệnh tim mạch.
Các bác sĩ cho biết, sử dụng bia rượu quá mức có liên quan mật thiết đến vấn đề huyết áp cao. Bác sĩ Nisha Jhalani, tại Trung tâm Y tế Irving trực thuộc Đại học Columbia, Mỹ cho biết: “Việc lạm dụng bia rượu có thể dẫn đến tình trạng huyết áp cao, làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ và suy tim. Uống rượu quá mức cũng có thể gây ra tình trạng rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim)".
Một nghiên cứu trên 17.059 người được đăng tải trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy những người thường xuyên sử dụng rượu, bia có nguy cơ bị tăng huyết áp so với những người không bao giờ uống rượu.
Các vấn đề về giấc ngủ như thiếu ngủ, chất lượng giấc ngủ kém có liên quan đến tình trạng huyết áp cao. Bác sĩ y khoa Francisco Lopez-Jimenez cho biết: “Thời gian ngủ ít (ít hơn 6 tiếng) có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao. Các chuyên gia cho rằng giấc ngủ giúp cơ thể kiểm soát các hormone cần thiết cho việc điều chỉnh căng thẳng và trao đổi chất. Do đó, theo thời gian, thiếu ngủ có thể gây ra sự thay đổi hormone, làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao và bệnh tim mạch.
Ngoài ra, hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây ảnh hưởng tới huyết áp. Theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, nếu không được điều trị, hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tăng nguy cơ mắc cao huyết áp và bệnh tim mạch.
Các chuyên gia cảnh báo rằng các vấn đề về thị lực có thể là dấu hiệu của bệnh huyết áp cao. Bác sĩ William White, Chuyên gia đo thị lực của Baylor Scott & White Health (Hệ thống chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận) tại Texas, Mỹ cho biết: “Các vấn đề về thị giác có thể là dấu hiệu của các bệnh lý gây ảnh hưởng đến mạch máu như bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp. Khi mắc huyết áp cao, các mạch máu trong võng mạc có thể trở nên cứng hơn, chèn ép lên nhau và có thể gây ra tình trạng teo thần kinh thị giác, khiến thị lực suy giảm, nhìn mờ hoặc xuất hiện đốm máu trong mắt".
Khó thở có thể là một dấu hiệu của huyết áp cao. Bác sĩ y khoa Vallerie McLaughlin, tại Trung tâm Tim mạch Frankel thuộc Đại học Michigan, Mỹ cho biết: “Khó thở là một trong những dấu hiệu cảnh báo huyết áp cao”. Tình trạng này xảy ra khi phần tim bên phải gặp khó khăn trong việc vận chuyển máu từ tim đến phổi và các bộ phận khác của cơ thể, khiến máu tích tụ trong phổi và gây khó thở.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn