30 năm làm chỗ dựa cho chồng con

20:55 | 05/01/2017;
Đã qua tuổi ngũ tuần, song bà Thơ chưa có một ngày cho bản thân mình. Cả cuộc đời bà làm chỗ dựa để chồng, con vượt qua nỗi đau bệnh tật.

Căn nhà nhỏ những ngày cuối năm của bà Nguyễn Ngọc Thơ (SN 1957), tại ấp An Phú, xã An Sơn, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, khá thoáng đãng. Người phụ nữ có gương mặt đôn hậu, da sạm màu nắng gió này cười tươi, dìu con trai Võ Nguyễn Minh Thiện (SN 1986) khi cậu cố quăng người từ tấm phản xuống nền nhà, rồi vịn tay bò lên chiếc xe lăn hướng ra phía cửa. Cái đầu của chàng trai này ngoẹo hẳn sang 1 bên, miệng cười méo xệch, ngọng nghịu chào khách rất khó khăn. Âu yếm sửa lại cổ áo còn lệch cho con, bà Thơ tự hào: “Khoảng 4 năm nay, Thiện đã khá hơn, nhiều lúc không có mẹ ở bên, con vẫn cố xúc được cơm ăn bằng 2 tay lèo khoèo yếu ớt”.

tinh-me1.jpg
Đã hơn 30 tuổi, Thiện vẫn cần sự giúp đỡ của mẹ trong mọi sinh hoạt hàng ngày 

Bà Thơ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông An Sơn này trong gia đình nghèo, đông anh chị em. Duyên số đến với bà cũng muộn mằn với người đàn ông cùng xóm kém bà khá nhiều tuổi (ông sinh năm 1965). “Tuy tuổi tác chênh lệch, nhưng tôi với ông ấy gặp nhau hồi đầu đã có nhiều cảm mến, vì vậy gia đình 2 bên cũng ủng hộ cho chúng tôi nên duyên vợ chồng. Sống với nhau đến nay đã hơn 30 năm, nhưng vợ chồng chưa một ngày to tiếng. Không biết có phải do cuộc sống quá khốn khó, nên chúng tôi cứ cặm cụi bên nhau, dựa vào nhau để vươn lên hay không?”, bà Thơ nói về chồng với ý nghĩ mộc mạc, chân thật đan xen niềm hạnh phúc bình dị của chính mình.

Xây dựng gia đình năm 1984 thì năm 1986, bà sinh cậu con trai đầu lòng. Vừa sinh ra, cậu bé Thiện đã không thể bú mẹ, không khóc oe oe như những đứa trẻ bình thường. Bác sỹ tìm mọi cách chữa chạy, nhưng Thiện vốn mang trong mình căn bệnh bẩm sinh bại não. “Người ta sinh con, vài ngày đã về nhà để gia đình, hàng xóm đến chia vui, chúc mừng, còn mẹ con tôi vẫn phải cách ly, tôi cứ vạ vật ở hành lang bệnh viện đợi vắt từng chút sữa gửi vào cho con. Quãng thời gian ấy kéo dài 3 tháng trời khiến tôi gần như kiệt sức”, bà Thơ nhớ lại.

tinh-me4.jpg
Bà Thơ kinh doanh thỏ để trang trải cho gia đình

“Lúc vợ chồng chở nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng đưa con về nhà, ôm thằng bé như con khỉ con, gầy guộc trơ xương, đôi mắt đờ đẫn, ai cũng bảo vợ chồng tôi sao không bỏ nó lại bệnh viện, mang về nuôi cực cả đời”. Đứa con dứt ruột đẻ ra, nó không có lỗi gì, làm sao có thể bỏ mặc con sống chết mà mình về nhà thanh thản được?".

Những ngày đó, ban ngày chồng đi phụ hồ, vợ đi lấy sữa đậu nành ra đứng bán lẻ ở cổng trường tiểu học. Tối về 2 vợ chồng cặm cụi khâu cúc thuê, thùa khuyết thuê, rồi dán bịch nilon thuê. Mỗi đêm thức khuya làm kiếm được khoảng 20 nghìn đồng. Có những ngày bà chỉ ngủ 3 giờ. Rồi bà lại có bầu con thứ 2, nhưng thấy xã cho thuê đất, bà cũng thuê mấy sào để trồng hoa và rau màu đem bán. Đúng lúc bắt đầu hoa màu thu hoạch được vụ thứ 2, bà lại sắp đến tháng sinh nở thì phát hiện chồng mắc bệnh thận nặng, phải liên tục đi cấp cứu.

tinh-me3.jpg
Chuồng thỏ của bà lúc nào cũng có khách quen đặt hàng, nên đủ tiền lo thuốc thang cho chồng con bị bệnh và chi tiêu trong gia đình. 

Bụng mang dạ chửa, bà đành trả lại đất thuê cho xã, về vay Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của xã để chăn nuôi 10 con thỏ tại nhà. Sáng nào bà cũng dậy sớm chăm sóc và cho thỏ ăn, dọn dẹp chuồng trại, chuẩn bị cho con ăn sáng rồi mang đồ ăn vào bệnh viện chăm chồng. Trưa bà về chuẩn bị bữa trưa cho con. Bà sinh con thứ 2, may mắn là cậu con trai Võ Minh Thành (SN 1989) lành lặn, sức khoẻ tốt, chính là niềm động viên lớn nhất cho vợ chồng bà tiếp tục sống.

Rồi chuồng thỏ sinh sôi 150 con, ngoài ra, bà nuôi thêm 200 con gà. Khách mua cũng quen dần mối hàng, nên nguồn thu của gia đình dần ổn định. “Ông ấy bị bệnh 15 năm nay, tiền thuốc thang chạy chữa cũng từ chuồng thỏ và bán gà”, bà Thơ bày tỏ.

Thế rồi hạnh phúc cứ nhen dần khi cậu con trai thứ 2 chăm ngoan, học giỏi. Hiện cậu đã thi đỗ và đang học năm thứ 4 Trường Sỹ quan Lục quân 2.

“Tôi chưa bao giờ thấy tủi thân cả, từ ngày lấy chồng, sinh con, 30 năm tôi chưa một lần đi xa nhà, hay đi thăm thú quê cha đất mẹ, cũng chả biết phim ảnh, tivi có gì, nhưng tôi không buồn. Bởi hạnh phúc của tôi là thấy chồng, con khoẻ, vẫn cần tôi làm chỗ dựa mỗi ngày”, bà bộc bạch.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn