307 cuốn sổ ghi chép 10 năm đổi lấy bài học không tiền nào mua được

19:00 | 05/08/2020;
“Đây là một thói quen mà tôi sẽ áp dụng suốt đời. Tôi biết nghe có vẻ hơi ngô nghê nhưng đó là cách để tôi sống một cuộc sống ý nghĩa hơn bao giờ hết”, Morris chia sẻ.

Tháng 2/2010, Morris Villarroel, một nhà khoa học người Tây Ban Nha bắt đầu tiến hành một thí nghiệm dự kiến sẽ kéo dài trong 10 năm. Nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Madrid khi ấy vừa tròn 40 tuổi. Giống rất nhiều người khác, tại ngày sinh nhật quan trọng của đời mình, ông nghĩ rằng bản thân cần có những thay đổi và bắt đầu bằng việc ghi chép chi tiết về mọi hoạt động trong ngày của mình. Với Morris, việc này không chỉ giúp ông nhớ về những điều đã qua mà còn giúp ông tìm được cách cải thiện phần đời còn lại của mình, tận dụng tối đa khoảng thời gian mình có.

Ông bắt đầu thí nghiệm đặc biệt của mình với một cuốn sổ nhật ký ghi lại mọi hoạt động. Công việc bắt đầu vào đêm hôm trước, khi Morris sẽ lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Trong ngày, nhà khoa học này cứ khoảng 15-30 phút sẽ ghi lại các hoạt động một lần như bản thân đang ở đâu, làm gì. Đó có thể là khi ông đang ở tàu điện ngầm, tại giảng đường trường đại học hay tham gia cuộc phỏng vấn với một nhà báo...

Morris là một phần của cộng đồng đang phát triển gồm những người theo dõi, thu thập dữ liệu về cuộc sống của bản thân một cách tỉ mỉ để có thể ngày càng hoàn thiện mình.

Và sau 9 năm 9 tháng với 307 cuốn sổ được lấp đầy, thí nghiệm của ông đã gần đi đến hồi kết. Bạn đoán xem, người đàn ông ấy đã thu về được những gì?

Hiểu về quá khứ, cải thiện tương lai

Khi lần đầu tiên thực hiện dự án này, một trong những mục tiêu chính của Morris chính là để quản lý thời gian: hiểu rõ hơn về cách bản thân sử dụng thời gian và ảnh hưởng của những hoạt động này đến sức khỏe cũng như hạnh phúc của mình.

Trước đây ông thường lái xe đi làm song từ khi bắt đầu viết nhật ký, ông nhận thấy mình bị ảnh hưởng nhiều bởi các sự cố như ai đó bỗng nhiên vượt lên, tạt trước đầu xe... Thậm chí những điều này còn khiến ông căng thẳng suốt cả ngày.

“Hiện tại tôi lựa chọn tàu điện ngầm để đến nơi làm việc hoặc đi bộ. Điều này thực sự giúp tôi cải thiện các vấn đề về lưng”.

Các bạn có thể thấy những thay đổi nhỏ đó không mang tính cách mạng song không thể phủ nhận sự thay đổi tích cực của chúng đối với cuộc sống hàng ngày. Những điều tốt đẹp đang dần dần thay thế những điều tiêu cực.

Những cuốn nhật ký nối tiếp nhau đã giúp Morris học hỏi được nhiều hơn trong công việc. “Bạn có thể thấy tất cả các chi tiết nhỏ và cách để cải thiện chúng”, ông chia sẻ.

Theo ông, nếu chúng ta không ghi chép lại, những ý tưởng đó sẽ nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Bằng việc ghi chép của mình, Morris có thể theo dõi thời gian dành cho cho các dự án khác nhau và điều chỉnh mức độ ưu tiên cho phù hợp. Các phần ghi chú chi tiết giúp ông có thể nhớ tốt hơn những thay đổi phát sinh trong ngày.

“Tôi có thể nhìn và như sống lại những khoảnh khắc trong suốt 10 năm đó”.

Nhà khoa học này tin rằng, việc ghi chép đã giúp ông cải thiện cảm xúc một cách tích cực. Trước những tình huống căng thẳng, ông dễ dàng kiểm soát cảm xúc hơn trước đây.

“Lúc đó tôi sẽ nghĩ rằng: “Chà! Điều này đã xảy ra trong quá khứ rồi và mình biết kết cục của nó. Mình cần kiểm soát bản thân tốt hơn””.

“Chỉ 10 phút mỗi ngày để viết nhật ký, các hoạt động trong ngày sẽ tăng hiệu suất hơn 20%”.

Không có nhiều nhà khoa học tập trung vào vấn đề này song có bằng chứng cho thấy việc viết nhật ký hàng ngày có thể mang lại những lợi ích nhất định. Một nghiên cứu của Francesca Gino tại Trường Kinh doanh Harvard đã xem xét một nhóm nhân viên của trung tâm cuộc gọi đang được đào tạo kỹ thuật. Họ phát hiện ra rằng việc dành chỉ 10 phút mỗi ngày để viết nhật ký đã giúp họ tăng hiệu suất làm việc hơn 20%.

Bên cạnh đó, cũng có bằng chứng cho rằng việc viết, kể lại cuộc sống của mình có thể thúc đẩy sự hài lòng về cuộc sống và tăng cảm giác hạnh phúc.

Công cụ tìm kiếm cho bản thân

Nếu bạn thấy việc ghi chép bằng tay không thực sự lôi cuốn bản thân, có rất nhiều cách khác nhau để bạn ghi lại những hoạt động một ngày của mình. Đó có thể là một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp hay đơn giản hơn là sử dụng chính chiếc điện thoại thông minh của bạn.

Những bức ảnh hay các ghi chép sẽ hoạt động như một bộ nhớ, giúp chúng ta gợi lên những khoảnh khắc sống động. Ali Mair, một nhà tâm lý học tại Đại học Hertfordshire, cho rằng: “Quá trình ghi lại tất cả sẽ giúp bạn cải thiện khả năng ghi nhớ”. Bằng cách nào đó, những hình ảnh đã được ghi lại như một tác nhân tâm lý đặc biệt giúp chúng ta có thể nhớ lại đầy đủ các chi tiết.

Thấy cuộc sống ý nghĩa hơn

Morris cảm thấy rất hài lòng với những cuốn sổ ghi chép của mình. Ông từng sở hữu một chiếc máy ảnh và sử dụng nó trong vài năm song quyết định dừng lại vì thấy bản thân không phù hợp với việc lưu trữ những bức ảnh.

“Đôi khi việc chụp ảnh rất tiện lợi nhưng nó thực sự không thú vị đối với tôi”.

Bút và giấy cùng bảng tính Excel vẫn là phương tiện ưa thích của ông để ghi lại mọi trải nghiệm trong ngày. Morris ước tính ông dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho việc ghi chép. Tất nhiên, người đàn ông này cũng thừa nhận một số nhược điểm như: cảm thấy thất vọng khi nhìn lại những sự lãng phí, sử dụng không hiệu quả của mình.

Thử nghiệm 10 năm của Morris Villarroel đã kết thúc vào tháng 2/2020. Ông quyết định tiếp tục công việc ghi chép hàng ngày của mình.

“Đây là một thói quen mà tôi sẽ áp dụng suốt đời. Tôi biết nghe có vẻ hơi ngô nghê nhưng đó là cách để tôi sống một cuộc sống ý nghĩa hơn bao giờ hết”, Morris chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn