Cô Nguyễn Thị Tuyền (69 tuổi, cựu giáo viên trường Mầm non Hợp Lý, xã Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam) là người đặc biệt nhất trong những người mà chúng tôi đã gặp để phỏng vấn về câu chuyện những cô giám mầm non về hưu nhưng không có lương. Cô Tuyền không chồng, không con, không gia đình và cũng là người giáo già không lương.
Gặp cô Tuyền ở tiệm bánh mà cô đang làm việc tại phố Hoa Bằng (Cầu Giấy – Hà Nội) chúng tôi biết thêm về một người phụ nữ đã cống hiến và gắn bó cả tuổi xuân với nghề nuôi dạy trẻ. Câu chuyện buồn của cô khiến người nghe day dứt không nguôi, nhất là lại được kể vào dịp cả nước đang hướng về ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam – 20/11.
Năm 1971, khi mà giáo dục mầm non đang là khái niệm lạ lẫm ở vùng quê chiêm trũng này thì cô đã bén duyên với nghề. Ngày ngày gây dựng phong trào ở xã Hợp Lý. Ban đầu là mượn nhà dân ở các xóm để tập hợp bọn trẻ. Trường không có, giáo viên thiếu gần như cô Tuyền phải làm toàn bộ từ việc vận động gia đình cho con em đi học để việc chăm sóc, bảo ban các cháu.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, cô Tuyền gắn bó tuổi thanh xuân với những học trò bé nhỏ mà quên đi hạnh phúc riêng, khi giật mình nhìn lại thì tuổi thanh xuân đã qua đi. Nhắc đến cô Tuyền, cô Phạm Thị Cầm (cựu đồng nghiệp) xúc động chia sẻ: “Như cô còn có được đứa con, dù nó không ngoan không giỏi như con người ta nhưng cũng là có chỗ nương tựa về sau. Còn cô Tuyền, cả đời tận tụy gắn bó với nghề, không lấy chồng, không có con giờ chỉ còn biết nương tựa vào mấy đứa cháu. Chị ấy còn khổ hơn cô nhiều”. Nhắc đến người đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, cô Cầm lại rớt nước mắt.
Trong tiệm bánh nhỏ trên phố Hoa Bằng, cô Tuyền chia sẻ, những ngày đầu đi dạy, lương tính bằng công điểm và trả bằng thóc. Dù không chết đói nhưng cũng bữa đói bữa no. Phải hàng chục năm sau, giáo viên mầm non như cô mới được nhận lương là tiền nhưng cũng chỉ vài trăm nghìn. Nhiều lần tính bỏ nghề, nhưng cứ nghĩ đến bọn trẻ rồi lại cố bám trụ với nghề để hy vọng sau này khi già yếu về hưu sẽ được một chế độ gì đó. “Tôi không chồng, không con không nơi nương tựa, nên cứ cố mà bám trụ để hy vọng sau này về già còn có chút lương hưu, nào ngờ…”, cô Tuyền gạt nước mắt nói.
(Video cô Tuyền kể lại những ngày tháng gắn bó với trường mầm nonn)
Khi cầm quyết định về hưu trên tay, cô Tuyền mới biết mình đã bị phủ nhận tất cả. Bao nhiêu năm gắn bó, cống hiến cũng trở về con số không. “Tôi không bàn về lý, nhưng về tình thì tệ quá. Dù sao họ cũng gắn bó mấy chục năm, nhưng không có một sự đãi ngộ hay ghi nhận gì cả”, hàng xóm cô Tuyền lên tiếng.
Làm lại ở tuổi xế chiều
Sau 38 năm gắn bó, với rất nhiều giấy khen, bằng khen và cả Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục thì đến năm 2009 cô Tuyền chính thức nghỉ hưu. Phải trải qua 2 lần phẫu thuật, sức khỏe của cô Tuyền ngày càng yếu đi, lúc nào cũng phải mang thuốc bên mình. Không chồng, không con, không lương hưu cô giáo già đành tự bươn chải để nuôi sống chính bản thân mình. Ở cái tuổi gần 70, khi những người khác được nghỉ ngơi thì cô Tuyền lại làm lại từ đầu để kiếm từng đồng bạc, bát cơm sống qua ngày.
Sau khi nghỉ giảng dạy, với hai bàn tay trắng, cô Tuyền phải làm rất nhiều công việc khác nhau để kiếm sống qua ngày. Thế rồi, cô phiêu bạt lên Hà Nội, nương tựa vào đứa cháu có lò bánh mỳ ở phố Hoa Bằng. “Cô tuổi cao sức yếu rồi, trải qua 2 lần phẫu thuật nên sức có được như người ta đâu. May mắn có đứa cháu mà bấu víu, làm phụ giúp nó ở tiệm bánh này để sống qua ngày thôi. Đấy là bây giờ còn có sức lực, mai mốt đau yếu nằm 1 chỗ, rồi chả biết sẽ như thế nào nữa…”, cô Tuyền buồn rầu nói.
Giờ đây, gần 10 năm sau khi nghỉ hưu và 5 năm gắn bó với tiệm bánh, bàn tay gày gò của cô giáo ngày nào đã quen với việc nhào bột, tạo bánh. “Còn chút sức khoẻ thì vẫn cố mà làm cháu ạ. Không làm lấy gì mà ăn, lương hưu thì không”, cô Tuyền quay lại nói với tôi.
Ở gần tiệm bánh mà cô Tuyền làm việc có mấy gia đình giáo viên, trong những ngày giữa tháng 11, khi mà người ta bàn luận về ngày Nhà giáo Việt Nam thì cô Tuyền lại quay sang chỗ khác, như cố che giấu đi quá khứ gần 40 năm làm nghề giảng dạy của mình. Sự chạnh lòng của những người như cô Tuyền có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Nhắc đến điều này, cô Tuyền buồn rầu nhớ lại, mặc dù những người như cô Tuyền, cô Cầm đã có hàng chục năm gắn bó với giáo dục mầm non của địa phương nhưng gần như không nhận được sự chia sẻ, tri ân nào từ chính quyền. “Chúng tôi về hưu như vậy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là cấp xã cũng nên có sự chia sẻ động viên với chúng tôi. Hôm chia tay chị em để về hưu, tôi rơi nước mắt”, cô Tuyền nhớ lại. Chấp nhận cái khó, cái nghèo để gắn bó mấy chục năm với trẻ thì đồng quà, tấm bánh có lẽ không phải là cái gì quá lớn lao với những người như cô Cầm, cô Tuyền nhưng sự tri ân đối với họ có lẽ là điều rất đáng làm.
Huy chương, giấy khen, bằng khen…suy cho cùng cũng chả có thể mài ra mà ăn được, cũng không thể quy đổi ra tiền trong những lần mà cô Tuyền, cô Cầm phải vào viện điều trị. Họ đánh đổi cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc gia đình có lẽ cũng không phải vì mấy tờ giấy như vậy. Một trăm cái lý cũng cần có một cái tình, tiếc rằng trong câu chuyện của hai vị giáo già như cô Tuyền, cô Cầm vẫn chưa thấy cái tình trong cách đối xử với họ.
Khi cả nước đang hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày tri ân những người người đứng trên bục giảng thì thật đáng tiếc nhiều cô giáo già, gắn bó trọn đời với giáo dục như cô Cầm, cô Tuyền vẫn đang đầu tắt mặt tối ở lò bánh mỳ, ở góc chùa chỉ để kiếm miếng ăn qua ngày.
Họ đang tự làm lại cuộc đời mình khi tuổi đã xế chiều.