4 biện pháp 'né' cúm trong mùa bệnh

08:42 | 26/03/2016;
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm - một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên.
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, thời điểm này số bệnh nhân mắc cúm có dấu hiệu gia tăng. Tuy không ồ ạt nhưng bệnh nhân vào viện tăng hơn so với bình thường 5-10%. Bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Đa phần bệnh nhân bị cúm có thể tự khỏi. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng như viêm cơ tim, viêm phổi và nếu trong trường hợp bất thường có thể gây tử vong.

Cũng theo Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp, các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau họng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh, trong đó có virus cúm. Bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa, khi mật độ virus cúm tăng cao trong không khí. Lúc này, sức đề kháng của con người thường kém nên rất dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa. vào mùa lạnh, virus sống lâu hơn trong môi trường, vì vậy khả năng lây lan cao hơn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đối tượng nhưng dễ gặp nhất ở người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính và người làm việc cường độ cao.
CUM.jpg
Cảm cúm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe
TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương cho hay, cảm cúm thường nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn. Dấu hiệu điển hình của cảm lạnh là hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Để phòng, tránh cúm, theo các bác sĩ, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi nhiễm cúm.
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch với xà phòng.
- Tiêm vaccine phòng cúm hằng năm.
- Ăn uống hợp lý, đầy đủ để tăng sức đề kháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn