PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Trong thời gian qua, Trung tâm cũng ghi nhận những trường hợp mắc bệnh về được tiêu hoá, nhiễm trùng do virus, một số bệnh do vi khuẩn…
Những ngày gần đây tại Trung tâm ghi nhận số ca đến khám vì liên cầu lợn tăng. Tình trạng này là do người dân ăn tiết canh lợn hoặc có trường hợp có ăn tiết canh dê ngoài hàng có pha tiết canh lợn nên đã nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho hay, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sẽ có bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Bệnh nhân có thể sốt cao, đau đầu, nôn mửa, sốt, xuất ngoài trên da. Có trường hợp bệnh nhân nặng có thể nhiễm trùng máu, điếc do tổn thương ốc tai…
Liên cầu lợn là bệnh cấp tính phải tới viện điều trị sớm vì bệnh có thể diễn biến dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiều người Việt có thói quen ăn tiết canh và thường cho rằng ăn tiết canh vào mùa hè cho mát. Vì vậy, bác sĩ Cường khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh lợn vì có nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.
Trường hợp ăn tiết canh có các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, nổi đám xuất huyết… thì nên đi viện sớm để bác sĩ điều trị kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Cường, không chỉ ăn tiết canh mà việc làm thịt lợn bị ốm cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc liên cầu lợn vì vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da và gây bệnh. Do vậy, người dân không nên giết mổ lợn bị ốm, hoặc đã chết.
Các bệnh tái nổi liên quan tới ký sinh trùng cũng có xu hướng gia tăng. Trung tâm đã ghi nhận rất nhiều trường hợp nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, giun đũa chó mèo (Toxocara), giun lươn…
Bác sĩ Cường cho biết, nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng là do thói quen ăn đồ ăn sống thường xuyên, cùng với đó là trào lưu nuôi thú cưng nhưng chăm sóc chưa đúng cách.
Để phòng ngừa bệnh ký sinh trùng, người dân cần lưu ý ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp nuôi thú cưng cần phải quản lý tốt chất thải của vật nuôi, cho vật nuôi uống thuốc diệt giun, sán định kỳ.
Cũng theo bác sĩ Cường, mùa hè là thời điểm muỗi sinh sôi phát triển, khiến số ca bệnh mắc sốt xuất huyết gia tăng. Đặc biệt, thời tiết nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây sốt xuất huyết sinh sôi.
Người bệnh mắc sốt xuất huyết thường có các triệu chứng sốt cao đột ngột, da sung huyết, đau người, mệt mỏi, chán ăn. Đối với bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần phải xét nghiệm để phát hiện và điều trị. Sốt xuất huyết có thể dẫn tới các biến chứng như cô đặc máu, truỵ tim mạch, tụt huyết áp, sốc, hạ tiểu cầu…
Để phòng tránh bệnh xuất huyết, người dân cần phải tăng cường các biện pháp diệt muỗi. Khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và điều trị. Sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa nên một người có nguy cơ nhiễm nhiều lần do virus có nhiều chủng khác nhau.
Bác sĩ Cường cho hay, một trong những bệnh truyền nhiễm xuất hiện nhiều trong ngày hè là thủy đậu. Trung tâm từng gặp những trường hợp bệnh nhân có biến chứng, thậm chí tử vong do mắc thuỷ đậu.
Người mắc bệnh lý nền khi mắc thuỷ đậu thường có những diễn biến nặng. Dấu hiệu của bệnh thuỷ đậu là xuất hiện các mụn nước trên da, mụn nước mọc ở khắp cơ thể, đa hình thái, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ngứa.
Theo bác sĩ Cường thuỷ đậu là bệnh lành tính nhưng có thể gây ra những biến chứng như viêm phổi, viêm não, suy đa tạng ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao. Bệnh thuỷ đậu có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin, do đó những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm vắc xin để phòng bệnh. Trường hợp bệnh nhân mắc thuỷ đậu có biến chứng cần phải được điều trị tích cực để cứu sống bệnh nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn