Thuốc kháng histamin được sử dụng phổ biến trong điều trị dị ứng, thuốc có tác dụng ngăn chặn hoạt động của histamin trong cơ thể, giúp giảm các triệu chứng dị ứng, chẳng hạn như hắt hơi, ngứa mắt và ngứa cổ họng,…
Trong tự nhiên có một số chất hoạt động như thuốc kháng histamine, có tác dụng cải thiện các triệu chứng dị ứng.
Vitamin C có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch. Loại vitamin này cũng hoạt động như một chất kháng histamine tự nhiên.
Theo một nghiên cứu năm 2018 về vitamin C trong điều trị dị ứng, stress oxy hóa đóng vai trò chính trong các bệnh dị ứng. Vì vitamin C là một chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh nên có thể hoạt động như một phương pháp điều trị dị ứng.
Các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng khi sử dụng vitamin C liều cao dưới hình thức tiêm tĩnh mạch làm giảm các triệu chứng dị ứng. Họ cũng báo cáo rằng sự thiếu hụt vitamin C có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến dị ứng.
Vitamin C có nhiều trong các loại thực phẩm như: Ớt chuông, bông cải xanh, trái cây có múi, kiwi, dâu tây, cà chua,… Các bạn nên bổ sung thường xuyên trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Bromelain là một loại enzyme được tìm thấy trong lõi và nước ép dứa, chất này được sử dụng phổ biến để điều trị sưng và viêm, đặc biệt là các xoang và sau chấn thương hoặc phẫu thuật.
Theo một nghiên cứu trên chuột, Bromelain có thể làm giảm mẫn cảm dị ứng và bệnh dị ứng đường hô hấp nhờ đặc tính chống viêm và chống dị ứng.
Tuy nhiên, ở một số người, việc bổ sung bromelain bằng đường uống có thể gây ra các tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tiêu hoá, nhịp tim tăng,... Những ai bị dị ứng với dứa thì không nên sử dụng những thực phẩm có chứa bromelain.
Probiotic là những vi sinh vật có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe bằng cách giúp cơ thể duy trì sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột.
Probiotics có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của con người, có thể giúp cơ thể chống lại dị ứng.
Quercetin là một flavonoid chống oxy hóa được tìm thấy trong nhiều loại thực vật và thực phẩm như táo, quả mọng, trà đen, bông cải xanh, nho, trà xanh, ớt, hành tây,... Nghiên cứu cho thấy rằng thêm quercetin vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng nhờ đặc tính chống dị ứng và kháng histamine.
Trong một nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quercetin có thể làm giảm tác động hô hấp của dị ứng ở chuột bằng cách giảm viêm đường thở.
Tuy nhiên, bằng chứng về hiệu quả của quercetin còn chưa thống nhất và các bằng chứng chưa đủ để công nhận tác dụng của quercetin trong điều trị dị ứng.
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm có chứa các chất kháng histamine tự nhiên trên, những người bị dị ứng có thể áp dụng một số biện pháp điều trị khác, chẳng hạn:
Để làm giảm triệu chứng dị ứng, việc tránh xa các tác nhân gây kích ứng là điều cần thiết. Vì vậy, bạn nên xác định chất gây dị ứng, có thể là phấn hoa, vẩy da thú cưng hoặc bào tử nấm mốc và giảm tiếp xúc với chất đó càng nhiều càng tốt.
Để hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, các bạn nên đóng kín cửa vào thời điểm phấn hoa tăng cao, khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài và đi lại ở những nơi có nhiều cây cối,...
Nếu các triệu chứng dị ứng trầm trọng và bạn mong muốn điều trị nhanh chóng, bạn có thể sử dụng thuốc dị ứng, chẳng hạn:
- Thuốc thông mũi và thuốc kháng histamine, chẳng hạn như cetirizine (Zyrtec) và các loại thuốc kết hợp có chứa acetaminophen, diphenhydramine và phenylephrine
- Thuốc xịt mũi steroid,...
Các loại thuốc này nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm phòng dị ứng. Đây được gọi là liệu pháp miễn dịch có thể giúp giải mẫn cảm hệ thống miễn dịch của bạn với các chất gây dị ứng.
Máy tạo độ ẩm không có tác dụng chữa bệnh dị ứng nhưng hỗ trợ làm giảm triệu chứng khó thở, nghẹt mũi, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Chế độ ăn uống là một trong những biện pháp giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị nhanh chóng. Khi bị dị ứng theo mùa, mọi người nên bổ sung một số thực phẩm sau:
- Gừng: Gừng có tác dụng hỗ trợ làm giảm các triệu chứng dị ứng như sưng tấy và kích ứng ở đường mũi, mắt và cổ họng.
- Cam, quýt: Cam quýt có hàm lượng vitamin C cao, mà vitamin C được nghiên cứu có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị dị ứng như giảm viêm mũi dị ứng, kích ứng đường hô hấp trên.
- Nghệ: Hoạt chất curcumin có trong nghệ liên quan đến việc giảm các triệu chứng của nhiều bệnh do viêm và có thể giúp giảm thiểu sưng tấy và kích ứng do viêm mũi dị ứng.
- Cà chua: Trong cà chua và lycopene, đây là những chất có tác dụng chống oxy hoá, giảm viêm, tốt cho người bị dị ứng theo mùa.
- Cá hồi: Trong cá hồi có chứa omega-3, chất này có tác dụng chống lại các triệu chứng dị ứng.
- Hành: Trong hành tây có hàm lượng Quercetin cao nên có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng và hỗ trợ điều trị tình trạng dị ứng theo mùa.
Có thể nói, một số chất tự nhiên hoạt động như thuốc kháng histamine, có tác dụng hỗ trợ điều trị tình trạng dị ứng. Tuy nhiên, đối với những người bị dị ứng trầm trọng, mãn tính, việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ là điều cần thiết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn