Bà Nguyễn Thị Sáng, Giám đốc HTX Chế biến hải sản Phú Sáng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), cho biết: Bà tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP từ năm 2021 với sản phẩm nước mắm đạt hạng 3 sao. Từ chỗ sản xuất theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, mỗi đợt chỉ sản xuất xấp xỉ 5.000 lít và bán theo can, chai thì đến nay, cơ sở này đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, bao bì nhãn mác đẹp mắt, mỗi đợt lên đến 72.000 lít.
Bà Sáng chia sẻ, HTX sản xuất được sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi để người tiêu dùng biết tới vẫn còn hạn chế. Những năm qua, bà chú trọng tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm và coi đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng. Mặc dù vậy, chủ cơ sở, HTX "đơn thương độc mã" cũng rất khó thành công. Vì vậy, bà Sáng cho rằng, phần lớn các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, HTX vẫn rất cần các cấp chính quyền, đoàn thể hỗ trợ trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đến nay có 249 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao và 3 sao. Toàn tỉnh có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết: Trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các thị trường trọng điểm trong nước và xuất khẩu; tiếp tục đa dạng hóa các kênh xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử; đề xuất Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cấp vùng; tiếp tục tổ chức các sự kiện để quảng bá và kích cầu người tiêu dùng trong tỉnh như: phiên chợ đêm cuối tuần, lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh…
Và điều quan trọng hơn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng sản lượng, nâng cao chất lượng, tính đồng đều, ổn định khi cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tập trung thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sau khi được đánh giá, xếp hạng…
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và họ đều mong muốn được tiếp xúc với các kênh bán lẻ hiện đại hơn, cao cấp hơn, đảm bảo chất lượng cho những hàng hóa mà họ lựa chọn. Đứng trước sức ép mãnh liệt đó, hệ thống phân phối cũng theo đà tăng trưởng mạnh mẽ. Công nghệ đang dần thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng và trở thành xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với đó, một trong những cách thức hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm OCOP là gắn với các nội dung xoay quanh những chủ đề top trending, đặc biệt là gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa.
Trước tình hình mới, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP cần bắt kịp xu thế, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, bán hàng trên nền tảng TikTok… và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.
Tuy nhiên, nhìn chung việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đề xuất 4 giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn