Tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm của Australia và Việt Nam về nâng cao quyền năng của phụ nữ" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức nhân dân Australia vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại thuộc Công đoàn Australia (APHEDA) tổ chức ngày 11/4, bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử và trong tham chính nói chung.
Bà Nguyễn Thanh Cầm cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ phụ nữ, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tăng qua các nhiệm kỳ, đạt 30,26% tại nhiệm kỳ XV. Tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều đạt trên 26%.
Hiện nay, 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ; có 3 nữ Bộ trưởng, 1 nữ Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, 12 nữ Thứ trưởng và tương đương.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 đã tăng 4 bậc so với năm 2021 ở vị trí 83/146 quốc gia.
"Với hiểu biết sâu sắc vốn có về các vấn đề của giới, về xã hội, gia đình, nữ đại biểu dân cử thường làm tốt trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã được luật định trong thực hiện công việc của mình. Qua các nhiệm kỳ, thực hiện trách nhiệm thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được tăng lên cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án luật quan trọng đối với mục tiêu bình đẳng giới" - bà Nguyễn Thanh Cầm nhận định.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thanh Cầm, việc tham khảo các bài học, kinh nghiệm quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo cơ hội để phụ nữ tham chính… có giá trị thực tiễn góp phần giúp các nữ đại biểu hoàn thành trách nhiệm với cơ quan dân cử cũng như trách nhiệm đối với giới, với sự nghiệp bình đẳng giới và sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Để tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của phụ nữ và để đạt mục tiêu nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp từ 35% đến 40% mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, bà Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, cần thực hiện tốt các giải pháp căn bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới nhằm mục tiêu nâng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Có những giải pháp hiệu quả để thực hiện các chỉ tiêu về cán bộ nữ theo Nghị quyết của Đảng, mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; coi việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và thường xuyên.
Thứ hai, cần làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ; mở rộng nguồn đầu vào giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là nữ bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
Thứ ba, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Hội LHPN Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục thực hiện các hoạt động phối hợp để hỗ trợ nữ ứng cử viên lần đầu tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Thứ tư, bản thân người phụ nữ phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng vận động, lắng nghe nhân dân, chuẩn bị tâm thế để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn