Dạy trẻ chuẩn bị vào lớp 1 hẳn là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm và lo lắng. Tuy nhiên, bên cạnh việc học chữ, viết chữ, làm toán thì học kỹ năng sống cũng rất quan trọng. Để con có thể thích nghi với môi trường học tập khác biệt ở cấp I, tránh các tình huống sợ học, chán đi học, cha mẹ cần biết hỗ trợ con đúng cách bằng các việc sau đây.
Khi ngồi học không đúng tư thế sẽ gây ra hậu quả các bệnh lý học đường như: Trẻ bị cong vẹo cột sống, trẻ mắc tật khúc xạ, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Vì thế, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là giúp con ngồi học đúng tư thế bằng những bước sau:
- Chuẩn bị không gian học tập cho trẻ: Đầu tiên, cha mẹ nên lựa chọn loại bàn học phù hợp với chiều cao của trẻ. Tốt nhất là chọn các loại bàn học đa năng có khả năng căn chỉnh chiều cao theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Cha mẹ cũng cần chú ý tới ánh sáng của đèn học, hướng kê bàn học.
- Chuẩn bị các vật dụng liên quan đến quá trình tập: Trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 thường có tâm lý hào hứng lúc đầu nhưng dễ bỏ ngang và chán nản. Khi ngồi học một lúc, trẻ có thể đòi đi vệ sinh, đi uống nước hay tìm các vật dụng. Chính sự xoay chuyển này khiến trẻ không thể ngồi học đúng tư thế. Thay vì để trẻ có lý do, các cha mẹ hãy chuẩn bị thật đầy đủ để trẻ ngồi học nghiêm túc.
- Luôn tạo cảm giác thích thú khi trẻ ngồi học: Đứa trẻ nào cũng ưa thích khám phá và sáng tạo. Do đó để trẻ ngồi học đúng tư thế, cha mẹ nên tạo không khí hứng khởi cho con mỗi khi con ngồi vào bàn học. Tuyệt đối không quát mắng, thúc ép trẻ vì đa phần trẻ vào lớp 1 mới chỉ biết qua bảng chữ cái và ghép một số từ đơn. Do vậy để tạo hứng thú cho việc học, cha mẹ cần tìm cách để con chủ động tiếp cận sách vở qua hình ảnh thú vị.
- Điều chỉnh trẻ ngồi học đúng tư thế: Khi trẻ đã có thói quen tự ngồi vào bàn học mỗi tối, cha mẹ nên thường xuyên quan sát xem trẻ ngồi đúng hay chưa để nhắc nhở kịp thời. Ở giai đoạn chớm vào lớp 1, chỉnh cho trẻ ngồi đúng sẽ giúp trẻ tăng ý thức, tới lớp cũng giảm tải áp lực cho giáo viên trên lớp.
- Cảnh báo nguy cơ khi trẻ ngồi sai tư thế: Để trẻ ý thức được tầm quan trọng của việc ngồi học đúng tư thế, cha mẹ nên sử dụng hình ảnh, video để nhắc nhở về sự nguy hiểm khi ngồi sai tư thế. Khi đã tiếp thu thông tin, trẻ sẽ ý thức được rõ hơn việc học và ngồi học của mình.
Đặc điểm của trẻ em là hiếu động, cá tính, thích thể hiện bản thân mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng đến mọi hoạt động của trẻ, ngay cả khi đang trong lớp học. Trẻ có thể biểu hiện cá tính của mình qua việc cắt ngang câu hỏi của giáo viên, trả lời xen lẫn với bạn. Hành vi này ảnh hưởng đến việc học tập, khiến trẻ khó nắm vững bài, mạch suy nghĩ bị cắt đứt và thiếu sự tập trung. Hơn nữa, trẻ cũng khó thích nghi với nội quy lớp học và gặp vấn đề trong giao tiếp nếu không sửa đổi.
Trước vấn đề này, phụ huynh có thể nhắc nhở, hướng dẫn trẻ thông qua các hành động, biểu cảm. Hãy rèn luyện cho con ngay khi đang ở nhà để hình thành nề nếp. Chẳng hạn khi bạn đang nói, nếu trẻ cắt ngang lời cũng đừng quát mắng. Bạn có thể nhắc nhở trẻ bằng cách đưa ngón tay lên miệng làm động tác "suỵt". Hoặc bạn có thể nhắc trẻ: "Con để cha/mẹ nói xong rồi thắc mắc nhé!", "Con không được cắt ngang lời người khác, ở lớp cũng cần nhớ điều này. Con hãy giơ tay nếu muốn cô gọi phát biểu",….
Hình thành cho con trẻ một thói quen sống gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp trẻ chủ động tạo cho mình một lối sống lành mạnh và khoa học. Thực tế gần hơn, đó là cha mẹ sẽ cảm thấy vui vẻ sau những giờ làm việc căng thẳng. Bởi khi về nhà, mọi thứ được sắp xếp và bày trí một cách khoa học và có trình tự. Chính sự gọn gàng, ngăn nắp ngay từ khi còn bé này giúp trẻ tự rèn luyện cho mình sự tự giác, trách nhiệm, qua đó tạo nền tảng cho trẻ sống tự lập sau này.
Để giúp con hình thành thói quen ngăn nắp, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau:
- Để trẻ làm chủ không gian của riêng mình: Không phải cha mẹ nào cũng có điều kiện để cho con một căn phòng riêng. Thay vào đó, bạn có thể tạo cho con một góc học tập, góc ăn uống hay sinh hoạt riêng. Trẻ sẽ quen dần với việc đúng chỗ đúng việc, đơn cử như không học ngoài bàn ăn, không ăn uống khi ngồi máy tính,…
- Đặt ra những quy tắc và dạy trẻ ghi nhớ: Hãy dán một bảng nội quy trên bàn học và yêu cầu trẻ chấp hành. Trẻ sẽ phải thực hiện các quy tắc trên và cha mẹ có nhiệm vụ hướng dẫn, chứ không nói suông. Và quy định cần được thực hiện nghiêm túc để hình thành sự ngăn nắp, gọn gàng.
- Phân loại những nhóm đồ dùng cần thiết: Đây là cách giúp trẻ gọn gàng và tiết kiệm thời gian hơn khi cần dùng đến đồ dùng đó. Công việc của cha mẹ là giúp trẻ phân loại và gom những nhóm đồ dùng có chung mục đích sử dụng về một nơi dễ tìm nhất. Cách làm này giúp trẻ tự biết sắp xếp mọi chuyện theo hướng logic và tư duy khoa học.
Rèn luyện nhận thức về nhiệm vụ cho trẻ cũng là một điều quan trọng trong giáo dục. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển của trẻ và thói quen hành vi còn nhiều hạn chế nên vẫn còn một số vấn đề như: Khả năng nghe kém, khả năng hiểu vấn đề hạn chế, khả năng tiếp thu chưa cao, chưa có ý thức hoàn thành công việc,…
Vì thế, cha mẹ cần sử dụng các phương pháp khác nhau để hướng dẫn trẻ ghi nhớ nhiệm vụ và hoàn thành đúng thời hạn. Chẳng hạn, cha mẹ có thể bắt đầu đưa ra một số nhiệm vụ nhỏ cho trẻ như: Đọc sách mỗi ngày, làm việc nhà, chơi thể thao… Đừng quên trao thưởng cho trẻ phần quà xứng đáng để trẻ có thêm động lực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn