Là cha mẹ, ai cũng sẽ thương yêu con cái hết mình và muốn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy nhiên, việc nuông chiều trẻ cần đúng chừng mực, đừng vì quá yêu thương mà biến trẻ thành đứa trẻ hư, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý, tính cách.
Dưới đây là biểu hiện "chớm" hư của trẻ. Nếu cha mẹ để ý và sửa sai kịp thời cho trẻ, trẻ vẫn có thể trở nên ngoan ngoãn, hiểu chuyện trong tương lai.
Tôn trọng người lớn là yếu tố rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Một đứa trẻ lễ phép, biết chào hỏi người lớn sẽ được mọi người quý mến và giúp đỡ khi khó khăn. Ngược lại, nếu trẻ không kính trọng người lớn tuổi hơn sẽ gây mất thiện cảm.
Trẻ em luôn học hỏi từ chính những thứ xung quanh cuộc sống hằng ngày. Và cách hiệu quả nhất để dạy trẻ là cha mẹ cần làm mẫu, đối xử với trẻ theo cách mà bạn muốn trẻ đối xử với người khác. Nếu thấy trẻ chưa kính trọng người khác, điều đầu tiên cha mẹ cần điều chỉnh là nên tôn trọng trẻ để trẻ cảm nhận được tôn trọng là thế nào và hiểu được tầm quan trọng của việc đó.
Trong cuộc sống hiện đại, không ít cha mẹ "đau đầu" vì khả năng tự lập của con rất kém. Nhiều trẻ không có khả năng chăm sóc bản thân, chẳng hạn như: Không biết chuẩn bị quần áo, sách vở trước khi đi học, không dọn dẹp bàn học, phòng ốc,… khiến cha mẹ luôn là người theo sau thay trẻ làm mọi việc.
Không chỉ hạn chế về việc chăm sóc bản thân, trong học tập và công việc, trẻ cũng trở nên thụ động, ỷ lại. Biểu hiện dễ dàng nhận thấy là: Không hoàn thành bài tập về nhà, lười phát biểu xây dựng bài, không chịu tư duy trước bài toán khó,…
Nếu thấy con có những biểu hiện trên, cha mẹ đừng quá lo lắng. Để giúp con trở nên tự lập, biết chăm sóc bản thân và chủ động hơn trong mọi việc thì điều đầu tiên cần làm là không thực hiện mọi việc thay con. Tiếp đó, khi con hoàn thành xong một việc nào đó, cha mẹ hãy dành cho con những lời khen ngợi nhằm khích lệ tinh thần. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy để con quyết định những việc nhỏ và tạo ra thử thách để con thực hiện.
Có rất nhiều đứa trẻ thường ra điều kiện cho cha mẹ khi được giao việc. Chẳng hạn như: "Con gấp quần áo xong, mẹ thưởng tiền cho con nhé!", "Con giúp cha dọn vườn, cha sẽ cho con tiền tiêu vặt chứ?", "Con sẽ làm việc đó nếu cuối tuần mẹ cho con sang nhà bạn chơi",…
Những đứa trẻ này có tính khôn lỏi, chưa chịu hoàn thành công việc của mình nhưng luôn đòi hỏi về những thứ bản thân mong muốn. Khi biết không có được thứ mình yêu thích, trẻ có thể từ chối công việc được giao hoặc làm một cách sơ sài, không cẩn thận. Vì thế, nếu cha mẹ thấy con có tính xấu này thì cần nhanh chóng giúp con sửa đổi.
Một tính xấu khác của trẻ là luôn than phiền, không hài lòng về mọi thứ. Nguồn cơn của tình trạng này là do cha mẹ nuông chiều, đáp ứng mọi yêu cầu của con. Họ sẵn sàng mua đồ ăn, đồ chơi con yêu thích khi con đòi. Tuy nhiên, nếu cha mẹ làm việc này thường xuyên sẽ khiến trẻ nảy sinh ra những yêu cầu, đòi hỏi khác, đôi khi không phù hợp.
Dần dần, trẻ sẽ quen được nuông chiều, quen được người khác đáp ứng. Khi không thỏa mãn theo đúng yêu cầu bản thân, trẻ sẽ tỏ ra thái độ không hài lòng bằng cách gắt gỏng, cãi lời, có hành động vùng vằng,… Đây là tính cách rất xấu, nếu không sửa đổi, trẻ sẽ khó hòa đồng được với mọi người.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn