'4 không' khi trò chuyện với con tuổi dậy thì

15:27 | 16/03/2016;
Không phán xét, không dạy dỗ, không khuyên bảo, không dò la - đó là “4 không” mà diễn giả Nguyễn Tuấn Anh - người từng là giám đốc kinh doanh các kênh truyền hình Today TV, Yan TV, Let's Viet TV - luôn thực hiện khi trò chuyện với con.

- Anh có từng gặp khó khăn trong việc khiến con cảm thấy hào hứng khi có điều gì muốn “tâm sự” với cha?

Có chứ, trong một thời gian dài. Nhưng nhờ tự học hỏi, rèn luyện cả tính cách và kỹ năng giao tiếp nên mọi việc đã tiến triển tốt hơn. Đơn giản là tôi chỉ cần “vào vai” tốt! Muốn nói chuyện được với người khác, đầu tiên tôi phải hiểu được con tôi, nhưng hiểu đúng với cách mà con tôi đang nhìn thế giới. Không phán xét, không dạy dỗ, không khuyên bảo, không dò la. Đó là “4 không” mà tôi luôn thực hiện khi trò chuyện với con.

Sau khi đã hiểu được “thế giới quan” của các con, tôi mới thể hiện sự quan tâm của mình đến những lĩnh vực mà con quan tâm. Trong lúc trò chuyện, tôi thường sử dụng chính ngôn ngữ mà con sử dụng nên nói chung câu chuyện thường vui, thoải mái và không có khoảng cách.

Các con thường trò chuyện với tôi về việc học, sở thích, việc “yêu”, những chuyện ở trường, bạn bè và kể cả những gì chúng không hài lòng về bố mẹ, ông bà một cách thoải mái.

Giảng viên, diễn giả Nguyễn Tuấn Anh và hai con. (Ảnh: NVCC)

- Có vẻ như nhiều khi cha mẹ tự gây khó khăn cho mình trong việc bắt đầu những câu chuyện ‘khó nói’ với con…

Khó khăn lớn nhất chính là Cái Tôi của người lớn. Khi có một điều gì diễn ra không vừa ý, ngay lập tức chúng ta phản ứng mà không dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng đó. Chúng ta thường ngay lập tức bật nút “play” thay vì phải bật nút “pause” hay “stop”.

Để bắt đầu một câu chuyện “khó nói” từ việc bị điểm kém cho tới sinh lý tuổi dậy thì, rất đơn giản chúng ta phải bắt đầu với việc phải tự nhủ chính mình “Hãy hiểu con trước” rồi mới yêu cầu “Con hiểu bố mẹ sau”. Nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều dùng uy quyền làm cha mẹ để ngay lập tức dạy dỗ, khuyên bảo con cái. Việc này thực ra chẳng khác gì bác sĩ thường xuyên “kê toa mà không thèm chẩn bệnh”. Mọi lời khuyên hay dạy dỗ dù có hay đến mấy cũng chẳng có tác dụng gì nếu như chúng ta không hiểu đúng về người khác.

- Cuộc trao đổi của cha con anh thường diễn ra như thế nào?

Thông thường các câu chuyện trao đổi của tôi và các con thường diễn ra theo đúng 8 bước như sau:

Bước một: Tôi tạo ra một môi trường an toàn, đó là môi trường hai người tin cậy lẫn nhau, khi nói ra mà không cần quan tâm đến “đúng/sai hay tốt/xấu”. Một môi trường an toàn là môi trường bạn bày tỏ bất cứ điều gì mà không hề sợ hãi.
Bước hai: Tôi sẽ gợi mở cho con trai tôi nói ra vấn đề của mình.
Bước ba: Tôi đặt câu hỏi bằng cách nhắc lại đúng những lời con trai tôi nói.
Bước bốn: Tôi vẫn tiếp tục đặt câu hỏi nhưng đã có suy diễn theo ý của tôi.
Bước năm: Tôi sẽ nhắc lại những gì con trai tôi đã nói và tôi hiểu về nó xem có đúng như vậy không.
Bước sáu: Sau khi con trai tôi đồng ý về những gì tôi đã nhắc lại là “đúng như vậy” thì tôi sẽ trình bày “ý kiến của mình”.
Bước bảy: Cuối cùng tôi nói con tôi nhắc lại và hiểu ý của tôi chưa.
Bước tám: Sau đó chúng tôi cùng nhau tìm ra một giải pháp thứ ba mà cả hai bên đều thấy thoải mái.

- Liệu có dễ dàng áp dụng các bước như trên trong từng trường hợp cụ thể?

Với cá nhân tôi thì khá dễ dàng. Khi con học cấp một, năm nào cũng là “học sinh giỏi”, bà xã tôi rất vui vì cứ ngày 1/6 mang giấy khen đến cơ quan… nhận phần thưởng. 6 năm liền con được học sinh giỏi, nhưng tới năm lớp 7 thì cô giáo gửi giấy báo về “Trong tháng qua Thanh Tùng liên tục bị điểm 3-4 về môn toán”. Vợ tôi học giỏi toán, tôi cũng vậy. Tôi là trưởng ban phụ huynh học sinh, con học kém như vậy thật là mất mặt! Thế là tôi và vợ tôi đã có một cuộc cãi vã to tiếng, vợ tôi nói “anh chỉ giỏi đi kiếm tiền, chẳng bao giờ quan tâm đến việc học của con”, tôi thì đáp trả “em thì có khá gì hơn”. Buổi tối hôm đó chúng tôi đã có một thỏa hiệp “Mỗi người mỗi ngày sẽ phải dạy con một tiếng”.

Bắt đầu từ hôm sau chúng tôi lao vào dạy con. Nhưng càng dạy, con tôi lại càng dốt, lại càng mất gốc và chúng tôi lại càng cáu. Khi thấy giải pháp dạy con không ổn, chúng tôi đã thuê một cậu gia sư. Nhưng các gia sư lại dạy các bài mẫu, con tôi vẫn không hiểu và vẫn điểm kém và mất gốc hơn.

Đúng vào lúc này, trong quá trình tự nghiên cứu tôi đã học được một điều vô cùng quan trọng: “Con người ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, thay vì tập trung vào điểm yếu của người ta, tại sao chúng ta không làm ngược lại là chỉ tập trung vào điểm mạnh của họ?”. Một bài học đơn giản nhưng hiệu quả, bài học này làm thay đổi toàn bộ triết lí của tôi về cuộc sống cũng như các mối quan hệ. Tôi  đã đối mặt với thực tế “Con tôi vốn kém về toán”, tôi tự đặt câu hỏi “Vậy thì sao? Tại sao mình lại không thấy thoải mái với điều này?”. Cuối cùng tôi thực sự ngỡ ngàng, thì ra từ xưa đến giờ mình vẫn chạy theo thứ lăng kính xã hội, thứ lăng kính của đám đông rằng “Con mình phải là học sinh giỏi, phải giỏi toán - văn - ngoại ngữ” mà không thèm đếm xỉa đến bản chất của con người và tôn trọng con người như họ vốn là.

Từ nhận thức này, tôi nói với con trai: “Bố muốn con sau này khi ra trường con phải biết đọc- viết- tính toán thành thạo. Con hãy cố gắng đạt cho bố điểm 5 kì kiểm tra sau nhé!”. Con trai tôi bất ngờ khi bố nói vậy, bởi vì cậu ấy tưởng là tôi sẽ yêu cầu “điểm 9, điểm 10” “chứ điểm 5 thì “dễ ợt”. Thế là sau khi được giải tỏa áp lực, hai tháng sau cậu ấy thông báo, con đã có “điểm 7 đầu tiên rồi bố ạ”. Tôi rất vui và điều tôi quan tâm nhất bây giờ là “Thế mạnh của con là gì?”. Sau một thời gian, khi từ trường trở về, con tôi khoe “Bố ạ, con toàn đạt điểm 9-10 môn Giáo dục công dân (GDCD)”. Đây mới là điều tôi thực sự vui mừng. GDCD, nhạc, họa, thể dục, lịch sử… đều có vị trí như nhau chứ không phải chỉ có toán, văn, ngoại ngữ. 

 Diễn giả Nguyễn Tuấn Anh và con trai lớn Thanh Tùng (Ảnh: NVCC)

Rồi một hôm, cô giáo gọi tôi đến trường vì “Con anh vô kỷ luật, mất trật tự trong lớp”. Tôi đã phải gặp cô hiệu trưởng về việc này. Thay vì mắng mỏ con, tôi chỉ nói “Sống ở đâu con cần phải tôn trọng nơi đó, bố không muốn con lặp lại điều này”. Bất ngờ với điều đó, con tôi bộc bạch: “Không hiểu sao ở trường con chơi với rất nhiều anh chị lớp trên và ở trong lớp mỗi khi con mở miệng ra là các bạn lại cười vui thích thú”. Từ những chia sẻ đó tôi tổng kết được con mình “giỏi giao tiếp, hài hước và giỏi bộ môn GDCD”. Theo bạn, giao tiếp giỏi, hài hước và GDCD có cần cho cuộc sống không? (Cười).

     Diễn giả Nguyễn Tuấn Anh và con trai thứ hai (Ảnh: NVCC)

Thành công lớn nhất của tôi từ chuyện này chính là tôi hiểu được một điều “Hãy tập trung vào điểm mạnh của người khác chứ đừng xoi mói vào những gì người đó kém”. Từ sau chuyện đó, cuộc sống gia đình tôi, mối quan hệ cha mẹ và con cái tốt hơn rất nhiều và con tôi có quyền sống đúng với những gì mà nó cho là “tốt”.

- "Bí kíp" của một cuộc trò chuyện vui vẻ với con, theo anh đó là gì?

Theo tôi bí quyết thành công nhất trong việc trò chuyện với con là: Đặt mình vào địa vị của con để hiểu được suy nghĩ theo cách nhìn của con. Lắng nghe và thấu hiểu con trước khi trình bày ý kiến của mình. Tôn trọng và vui vẻ với sự khác biệt của con

- Như chia sẻ của anh thì hẳn không ít cha mẹ ngày nay ít nhiều cần thay đổi để gần gũi con hơn?

Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận cuộc sống, đó là “luôn bắt đầu từ bên trong” - nghĩa là khi con có điều gì không ổn, trước hết ta phải thay đổi một điều gì đó từ chính mình trước khi bắt con thay đổi. Có thể là chính cách nhìn nhận hay nhận thức, kỹ năng, phong cách, tính cách, quan điểm của cha mẹ mới là vấn đề chứ không phải “của ai đó”. Cuối cùng, để làm được điều đó, cần yêu thương con “vô điều kiện”.

- Trân trọng cảm ơn Diễn giả Nguyễn Tuấn Anh!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn