Trong cuộc sống, có nhiều hành vi của trẻ trông có vẻ khó chịu, gây phiền phức nhưng thực ra trẻ đang thể hiện tình yêu thương với mẹ. Dưới đây là 4 hành vi đang ngụ ý che giấu tình cảm của trẻ đối với mẹ mình:
Hầu hết người mẹ nào cũng từng gặp phải tình huống này khi nuôi dạy con cái. Trẻ rất thích giật tóc mẹ một cách thô bạo, khiến người mẹ cảm thấy rất đau.
Trên thực tế, trẻ thích lấy những gì mình có thể với tới (vì gần mẹ nên mới thích giật tóc), đây cũng là cách trẻ đang tập luyện cảm giác của bàn tay. Khi phát hiện ra việc nắm giữ những khác nhau mang lại cảm giác khác nhau, trẻ cảm thấy điều này rất mới mẻ và thú vị.
Điều này thực chất là nhu cầu phát triển trí não của trẻ, giúp mở rộng nhận thức và phát triển trí thông minh.
Khi người mẹ bế em bé, cố gắng không đeo đồ trang sức để không bị trẻ giật. Nếu bị trẻ giật tóc, bạn có thể giả vờ khóc và nói rằng mình rất đau. Bằng cách này, trẻ thường sẽ buông tay.
Nếu trẻ lớn hơn một chút, đã vài tuổi mà vẫn thích giật tóc mẹ, có thể trẻ muốn thu hút sự chú ý của mẹ và muốn nói bằng hành động: "Mẹ ơi chơi với con đi".
Đặc biệt là khi bạn đang ngồi trên sofa cầm điện thoại di động, đột nhiên trẻ chạy tới kéo tóc, thật ra nó muốn nói với bạn rằng: "Mẹ đừng nghịch điện thoại nữa, chơi với con đi, con chán lắm".
Nhưng vì trẻ em hành động nhanh hơn não, khả năng diễn đạt của chúng không mạnh nên sẽ làm thay vì nói. Tuy nhiên, hành động này lại vô tình khiến người mẹ rất đau, trẻ biểu lộ tình cảm theo cách này có thể làm mẹ cảm thấy rất khó chịu.
Khi trẻ đã có thể hiểu biết một chút, bạn có thể hỏi "tại sao con giật tóc mẹ", sau đó dạy trẻ, nếu lần sau con có suy nghĩ gì thì cứ nói thẳng ra, đừng giật tóc, sẽ làm mẹ đau.
Bằng cách này, bộ não của trẻ có thể được hướng dẫn để suy nghĩ, trẻ có thể nhận thức được trạng thái và suy nghĩ hiện tại của mình thay vì làm điều đó trong tiềm thức.
Có một cô bé 10 tuổi, mỗi khi mẹ đi làm về lại bám lấy mẹ, dùng tay véo vào mặt mẹ.
Bực mình vì bị véo, người mẹ đẩy con gái ra: "Đừng véo mặt mẹ, mẹ đau lắm". Thấy vậy, cô bé ngây thơ nói: "Mẹ không thương con nữa à".
Tâm lý học xã hội tin rằng, sự đụng chạm cơ thể là biểu hiện sâu sắc nhất của trải nghiệm cảm xúc. Giống như một cặp đôi hòa hợp, thể hiện tình yêu, chỉ nói về nó không đủ, mà còn muốn ôm và nắm tay nhau.
Sự gắn bó của con cái mẹ cũng vậy, nếu trẻ muốn bày tỏ tình yêu với mẹ, chúng muốn tiếp xúc với mẹ nhiều hơn, chỉ có dùng tay chạm vào mẹ mới thực sự cảm nhận được mình đang ở bên cạnh mẹ.
Hơn nữa, hành động "véo" còn chứa đựng nhiều cảm xúc của trẻ. Một số người mẹ nhận thấy con mình ban đầu véo nhẹ nhưng sau đó thì rất mạnh, khiến bản thân vừa đau vừa tức.
Trong quá trình dùng sức, đứa trẻ có thể bộc lộ những cảm xúc không thể diễn tả được.
Ví dụ như khi mẹ đi làm, trẻ sẽ có tâm trạng lo lắng xa cách, khi bị mẹ phớt lờ sẽ có chút oán trách trong lòng, hoặc khi thương mẹ nhưng không biết cách nào để biểu lộ. Vì vậy, khi tiếp xúc với mẹ, trẻ vô tình làm những động tác hung hãn để giải tỏa những bức xúc chưa giải quyết được trong lòng.
Nếu trẻ thường hay véo vào mặt mẹ, bạn có thể nắm lấy tay chúng và nói: "Con vuốt nhẹ như thế này thì mẹ không đau đâu", hoặc cùng con chơi trò: "Mẹ cũng muốn véo, chúng mình véo cái gối xem ai khỏe hơn nhé".
Khi người mẹ dùng cách tích cực để hướng dẫn trẻ thể hiện tình yêu, chúng sẽ trút bỏ được những cảm xúc chưa được giải tỏa. Bằng cách này, trẻ biết cách kiểm soát bản thân thay vì thể hiện hành vi hung hăng hơn.
Có những đứa trẻ rất thích đeo bám mẹ mình, coi mẹ như cái cây và trèo lên bất cứ khi nào thích. Khi mẹ ngồi hay nằm, trẻ cứ nhảy lên nhảy xuống, trèo lên người mẹ. Điều này khiến người mẹ đầu xù tóc rối, bơ phờ, bị che khuất tầm nhìn, gây đau trong một số trường hợp.
Kiểu hành vi gây phiền phức này cho thấy trẻ đang có mối quan hệ rất thân thiết với mẹ mình. Trẻ cảm thấy được an toàn ngay cả khi gây ra những điều khó chịu cho mẹ.
Ngược lại, những đứa trẻ tỏ ra lễ phép, xa cách, dè chừng khi thân thiết với mẹ có thể trong lòng lại sợ mẹ, không dám lại gần, không dám mạnh dạn bày tỏ tình cảm với mẹ.
Một số trẻ luôn cần mẹ bên cạnh khi ngủ, phải nắm tay, sờ mặt, dựa lưng, ôm thì mới chìm vào giấc ngủ được.
Điều này là do khi ngủ, trẻ có một mức độ cảnh giác nhất định, cảm thấy chỉ có thể yên tâm ngủ khi ở bên những người mà mình phụ thuộc nhiều nhất. Đặc biệt là khi đứa trẻ nửa mê nửa tỉnh, nếu phát hiện có mẹ ở bên cạnh, có thể chạm vào, trẻ mới cảm thấy an tâm để ngủ tiếp.
Vì vậy, mặc dù những hành động này của trẻ sẽ khiến người mẹ hơi phiền phức nhưng cũng cho thấy người mà trẻ yêu nhất nhà chính là mẹ. Đó cũng là một chút phiền toái ngọt ngào.
Thay vì từ chối hoặc mắng mỏ, người mẹ cũng có thể cố gắng chấp nhận, đợi con ngủ say rồi mới rời đi. Trên thực tế, trẻ chỉ phụ thuộc vào người mẹ như vậy trong vài năm ngắn ngủi. Khi trẻ lớn dần, có thể bạn sẽ khó ôm hôn con như khi chúng còn nhỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn