Bà Bùi Thị Nhương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quý Hòa chia sẻ: Chúng tôi bắt tay xây dựng kế hoạch triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025 theo sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện Lạc Sơn từ tháng 12/2022.
Bước đầu cũng gặp một số khó khăn nhất định mang tính kỹ thuật. Đến nay chúng tôi đã thành lập được tổ 3 Truyền thông cộng đồng, 1 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, 1 địa chỉ an toàn.
Cho đến nay, các bộ phận thành phần trong khuôn khổ Dự án 8 ở xã Quý Hòa, đã đi vào vận hành và hoạt động khá trơn tru. Các thành viên, hội viên đều hăng hái, nhiệt tình tham gia.
Đặc biệt là các buổi sinh hoạt văn nghệ kèm tuyên truyền các nội dung của dự án, không chỉ thu hút hội viên, mà còn thu hút cả cộng đồng tham gia.
- Xin bà chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện các nội dung thuộc Dự án 8?
Bà Bùi Thị Nhương: Như đã nói ở trên, bước đầu chúng tôi gặp một số khó khăn. Cụ thể là địa bàn rộng, đường xá đi lại khó khăn các xóm cách xa nhau nên việc đi lại triển khai khá vất vả. Đặc thù xã nông thôn, bà con, hội viên ban ngày đều đi làm nông nên chị em chúng tôi thường phải tranh thủ đi vận động vào các buổi tối.
Đường đi lối lại ở địa bàn miền núi cũng là một cản trở lớn, nhiều hôm xong việc vào lúc đêm muộn, chị em phụ nữ đi trên đường vắng khá lo, nhưng vì công việc chúng tôi vẫn phải động viên nhau cố gắng.
Về mặt thuận lợi, địa bàn xã không có nhiều thành phần dân tộc nên khi đi tuyên truyền vận động không gặp rào cản về ngôn ngữ; trình độ nhận thức của người dân hiện nay cũng cao hơn so với trước; thêm vào đó, gần 70% cán bộ hội viên được tiếp cận với internet nên có thể chia sẻ trên Zalo, Facebook, để hội viên kịp thời nắm được các thông tin. Ngoài ra, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và các Hội đoàn thể cũng ủng hộ, tạo điều kiện, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời...
- Kinh nghiệm rút ra sau một thời gian thực hiện Dự án 8 ở địa phương là gì, thưa bà?
Khi thực hiện Dự án 8, chúng tôi đúc kết ra một số kinh nghiệm cụ thể như sau:
Thứ nhất: Khi thành lập tổ truyền thông, Câu lạc bộ, chúng tôi chú ý đến lựa chọn những người có uy tín, được cộng đồng tôn trọng, để họ bầu ra làm chủ nhiệm CLB, Tổ Truyền thông một cách khách quan, dân chủ. Như vậy khi đi vào hoạt động không gặp phải những vướng mắc, công việc chia sẻ thuận lợi.
Thứ hai là: Không nên áp đặt một cách máy móc, ví dụ ở thôn này có thuận lợi gì thì mình dựa vào đó mà xây dựng, tổ chức hệ thống. Không nên áp đặt hay dựa vào một quy tắc nhất định nào. Làm được điều đó người dân mới đồng thuận, hoạt động hết mình với các mục tiêu dự án.
Thứ ba là: Mình phải đem đến những hoạt động mà họ thích, có lợi cho các thành viên, hội viên và cộng đồng. Các công việc có thể đan xen, lồng ghép với nhau, miễn sao kết quả cuối cùng đạt được mục tiêu như mong đợi. Ví dụ như hôm nay tôi muốn triển khai tuyên truyền nội dung gì, tôi sẽ tổ chức sinh hoạt văn nghệ trước đã. Khi mọi người có tâm trạng thoải mái thì sẽ hào hứng nghe các nội dung tuyên truyền của dự án.
Thứ tư là: Cách tuyên truyền các nội dung dự án cũng phải diễn giải một cách ngắn gọn, dễ nghe để người dân nắm bắt được các nội dung mình hướng đến. Nếu làm máy móc sẽ khiến nội dung khô cứng, không hấp dẫn, dễ khiến người dân cảm thấy nhàm chán, kết quả thu được không cao.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn