Nỗi đau tinh thần vô cùng đáng sợ từ bắt nạt trực tuyến
Việc bắt nạt trực tuyến đôi khi bắt nguồn từ những việc không đâu, từ những người không quen và gây ra hậu quả về tinh thần vô cùng nghiêm trọng. Chia sẻ về việc học sinh bị bắt nạt trực tuyến, PGS-TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho biết: Có 1 chị khóa trên và 1 em khóa dưới không quen biết gì nhau. Thế nhưng, khi chị đi qua và thấy hình như nó nhìn đểu mình. Về nhà, chị đăng một tràng dài rằng nó thế nọ thế kia. Rồi chị tag, nhắn tin và công khai gọi người đến đánh nó.
Hay như câu chuyện của nữ sinh 16 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội. Em bị bắt nạt trực tuyến từ những người không quen biết và bị sang chấn tinh thần vì trong lúc đi học, em bị 2 tên biến thái dồn vào góc tối để quấy rối tình dục. Cũng may em đã kịp bỏ xe và chạy vào quán cà phê gần đấy, hậu quả là em bị tụt rách vai áo.
Sự việc đó khiến em vô cùng sốc. Em đã chia sẻ trên facebook để cảnh báo cho bạn bè. Bên cạnh những người hỏi han thì có vô số người bình luận, nhắn tin trách móc và chửi rủa em, trong đó có không ít các phụ huynh. Họ đổ lỗi cho em, cho rằng do em ăn mặc khiêu khích, nhuộm tóc màu lạ, xỏ khuyên…, rằng em không biết bảo vệ bản thân còn... to mồm.
Chưa dừng lại, bài chia sẻ của em còn bị đăng ở một trang khác và em lại chìm trong những lời chửi bới, đe dọa hiếp dâm và thậm chí giết. Không chỉ có thế, nhiều người còn mỉa mai trí tuệ, xúc phạm bố mẹ em. Sau sự việc này, em cảm thấy vô cùng uất ức và stress. Em là nạn nhân nhưng em lại bị miệt thị như người có tội.
Nữ sinh 16 tuổi này từng chia sẻ, bị xâm hại là nỗi đau thể xác nhưng nỗi đau tinh thần lại là thứ đáng sợ hơn gấp trăm, nghìn lần. Nỗi đau thể xác là thứ nhìn thấy được nên người ta sẽ coi trọng hơn, còn nỗi đau âm ỉ nhưng dữ dội trong tinh thần lại có sức công phá mạnh mẽ đến độ có thể khiến một con người kết thúc mạng sống của chính mình.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, phần lớn học sinh khi được hỏi về bắt nạt trực tuyến cho rằng cảm thấy bị cô lập. Trên mạng không ai có ý kiến đứng về phía mình, số đông đang theo người bắt nạt như bình luận ác ý, bêu riếu hình ảnh của mình. Người ta sẽ lôi kéo càng nhiều người vào, người ta mong muốn nhiều người ủng hộ họ để công kích người kia, cứ như thế nếu không có người khác ngăn cản.
"Với việc bắt nạt trực tiếp, khi mặt đối mặt nên có thể giới hạn thời gian, có thể tìm địa điểm an toàn hoặc thoát khỏi tình huống nguy hiểm, giới hạn người xem, giới hạn địa lý, kẻ bắt nạt bị nhận diện, có thể thấy biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của nạn nhân và của người xem. Trong khi đó, bắt nạt trực tuyến không giới hạn thời gian, không có nơi an toàn, không dễ trốn thoát, chia sẻ cho nhiều đối tượng chỉ trong vài giây, kẻ bắt nạt ẩn danh, khó truy tìm, khó đồng cảm với nạn nhân do không nhìn thấy hệ quả biểu cảm, không giới hạn địa lý và mục tiêu dễ dàng trở thành kẻ bắt nạt"- PGS.TS Trần Thành Nam cũng chia sẻ.
Cha mẹ cần có kiến thức về an toàn trên mạng
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, các cha mẹ cần nhận thức việc bắt nạt trực tuyến là vô cùng phổ biến: “Con ở nhà, ở trong vòng tay của cha mẹ nhưng nếu cha mẹ không có cảm xúc với con thì con vẫn bị bắt nạt trực tuyến”.
Chia sẻ với các cha mẹ về việc dạy con về bắt nạt trực tuyến, theo PGS-TS Trần Thành Nam, cha mẹ cần có kiến thức về an toàn trên mạng, cần dạy con 4 điều sau:
Thứ nhất, con không nên phản hồi khi nhận được thông tin công kích, chế giễu, bêu xấu mình trên mạng. Bởi thủ phạm sẽ luôn xem phản ứng của nạn nhân để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
Thứ hai, cha mẹ cần dạy con các kỹ năng chặn, báo cáo trên mạng (hướng dẫn chặn ở facebook, gmail, twitter…).
Thứ ba, hướng dẫn con chụp ảnh màn hình để giữ lại mọi bằng chứng. Chúng bao gồm những lời khiêu khích qua tin nhắn, email, bình luận trên facebook, mạng xã hội, tin nhắn thoại…
Thứ tư, cha mẹ cần giúp con có kỹ năng để báo cho người lớn việc con bị bắt nạt. Trước tiên, con hãy nói với cha mẹ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, con có thể trình bày với trường học hoặc cảnh sát.
* Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà: Cha mẹ nên chú ý xem con có những dấu hiệu bất thường để can thiệp, giúp đỡ. Khi trẻ chán học, uể oải, than phiền, sợ hãi…, bố mẹ cần tìm cách chia sẻ với con hoặc khuyến khích con đến gặp chuyên gia tâm lý. Giáo viên cũng có thể trao đổi với học sinh, nói chuyện một cách tình cảm để các con cảm thấy tin tưởng và được tin tưởng, từ đó thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình. Ngoài ra, bố mẹ và thầy cô cũng cần nói cho trẻ hiểu thế nào là bắt nạt trực tuyến, sự phê phán, chỉ trích ra sao thì coi là bắt nạt, những gì nên làm và không nên làm trong môi trường mạng. |