1. Cư xử tốt với mọi người
Câu chuyện dạy con về cách cư xử với mọi người xung quanh nên được bắt đầu từ lúc sơ sinh và khi tập nói. Bắt đầu bằng những cụm từ đơn giản như “Cảm ơn”, “Làm ơn”, “Xin vui lòng” khi nhờ vả hoặc nhận được lợi ích từ ai đó. Đến độ tuổi tiểu học, cha mẹ nên tiếp tục giúp bé thực hành cách hành xử này với mức độ nhiều hơn.
2. Phát biểu ý kiến cá nhân
Kỹ năng này vô cùng quan trọng đối với cuộc sống sau này của con và mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu trẻ được tập từ nhỏ. Để con trở nên dạn dĩ, mẹ hãy khuyến khích trẻ mạnh dạn đưa ra những câu hỏi, phản ứng trước những điều con còn thắc mắc và làm điều đó thường xuyên ở trường học. Tạo điều kiện để con tham gia các buổi trò chuyện giao lưu, kết bạn, qua đó giúp con tự tin trước đám đông.
3. Lòng biết ơn
Hãy khéo léo gợi nhắc trẻ về công lao của người làm ra hạt gạo, người thợ may cho con quần áo đẹp. Nói về những món quà con được nhận hoặc bất cứ thứ gì con được hưởng dù phải bỏ tiền ra mua... Mẹ có thể dạy trẻ sự biết ơn với những người đang chăm sóc cho chúng. Đó là sự biết ơn cha mẹ đã cho trẻ cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Bạn có thể dạy trẻ bắt đầu từ những câu nói đơn giản, ví như: “Cảm ơn mẹ đã nấu món ngon cho con!”, hay “Con yêu bố vì đã sửa giúp con món đồ chơi con yêu thích!”...
4. Lòng trung thực
Sự trung thực là một món quà thực sự mà cha mẹ nên dành tặng con khi dạy kỹ năng sống cho con ở lứa tuổi tiểu học. Con bạn sẽ nhanh chóng “nhiễm” thói quen nói dối từ bạn bè, người xung quanh, thậm chí ngay chính bạn nếu chúng thường xuyên tiếp xúc điều này. Hãy nói với con về giá trị của sự thật, khẳng định rõ ràng với con: Nói dối là thói quen rất xấu. Cha mẹ nên là tấm gương về sự trung thực để con trẻ noi theo.