Ngày 23/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu bật 4 lĩnh vực ưu tiên của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những nguy cơ mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra đối với nền an ninh và hòa bình.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu và an ninh do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, ông Guterres khẳng định ưu tiên đầu tiên là cần tập trung hơn nữa vào công tác phòng ngừa "thông qua hành động khí hậu tham vọng và mạnh mẽ."
Ông nêu rõ: "Chúng ta phải đưa thế giới trở lại đúng hướng để đạt được những mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và ngăn chặn thảm họa khí hậu... Chúng ta phải thành lập liên minh toàn cầu thực sự để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải (carbon) vào giữa thế kỷ này."
Về vấn đề ưu tiên thứ hai, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng thế giới cần hành động khẩn trương để bảo vệ các quốc gia, cộng đồng và người dân trước những tác động tiêu cực của khí hậu đang ngày một gia tăng và nghiêm trọng hơn.
Cộng đồng quốc tế cần có sự đột phá về khả năng thích ứng và phục hồi, điều đó đồng nghĩa cần nâng mức đầu tư hơn nữa vào các biện pháp cho vấn đề này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đề cập đến ưu tiên thứ 3 là thế giới phải kiên trì theo đuổi quan điểm an ninh đặt con người làm trung tâm. Theo ông, những thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cho thấy sự tàn phá mà cái gọi là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có thể gây ra trên quy mô toàn cầu.
Đối với vấn đề ưu tiên cuối cùng, ông Guterres cho rằng cần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đối tác trong và ngoài Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: "Chúng ta phải tận dụng và xây dựng dựa trên thế mạnh của các bên liên quan khác nhau, bao gồm Hội đồng Bảo an, Ủy ban Xây dựng Hòa bình, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực, khu vực tư nhân, giới học giả và các tổ chức khác."
Ông viện dẫn Cơ chế An ninh khí hậu, với sự tham gia của Cơ quan phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, chính là kế hoạch chi tiết cho sự hợp tác như vậy trong hệ thống Liên hợp quốc.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn