Thịt cá là nguồn cung cấp protein dồi dào và rất thích hợp cho các bé. Tuy nhiên loại cá nào có lợi cho trẻ và loại cá nào trẻ không bao giờ được ăn?
Trẻ ăn cá thông minh hơn và ngủ ngon hơn
Cá ít béo và nhiều đạm. Mỡ cá chiếm 60% là axit béo không no, chủ yếu nằm dưới da và quanh nội tạng, hàm lượng mô cơ rất ít, nếu không muốn ăn thì rất dễ loại bỏ nên cá là nguồn cung cấp đạm rất tốt trong thức ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, cấu trúc mô của cá lỏng, mịn nên trẻ dễ tiêu hóa.
Trẻ ăn cá ít nhất 1 lần/tuần có chỉ số IQ cao hơn. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, ăn cá có thể tác động tới trí tuệ của trẻ. Các chuyên gia Đại học Pennsylvania (Mỹ) phát hiện trẻ ăn cá ít nhất 1 lần mỗi tuần đạt điểm cao hơn trong những cuộc trắc nghiệm về chỉ số thông minh (IQ) và ngủ ngon hơn. Đây là một trong những công trình khoa học đầu tiên xem xét mối liên hệ giữa cả 3 yếu tố này. Kết quả cho thấy trẻ ăn cá ít nhất 1 lần mỗi tuần đạt cao hơn 4,8 điểm trong cuộc trắc nghiệm IQ so với những đứa trẻ ít khi hoặc không bao giờ ăn cá. Trẻ thỉnh thoảng ăn cá cũng đạt cao hơn 3,3 điểm.
Dữ liệu thu thập được còn cho thấy trẻ ăn cá thường ít chịu tình trạng gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm. Chuyên gia Jianghong Liu và các cộng sự nhận thấy mối tương quan giữa giấc ngủ, trí thông minh và việc ăn cá vẫn mạnh ngay cả sau khi họ xem xét một loạt tác nhân nhân khẩu và xã hội học, theo UPI. Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports.
Vậy chọn cá nào để giúp trẻ thông minh và khỏe mạnh hơn?
1. Cá ít xương, an toàn hơn
Để tránh tai nạn, cha mẹ có thể giúp con chọn cá hồi, cá tuyết, cá chim, cá rô và các loại cá khác không có xương liên cơ. Trong đó, cá hồi, cá tuyết và các loại cá biển khác ngoài giá trị dinh dưỡng như cá thông thường, hàm lượng DHA và EPA trong chất béo cao hơn cá nước ngọt, có lợi cho sức khỏe não bộ.
2. Cá ít bị ô nhiễm
Dưới góc độ ô nhiễm môi trường, cá biển sâu tốt hơn cá nước ngọt, cá nước ngọt tốt hơn cá nuôi nhân tạo, đặc biệt trong trường hợp ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nơi nuôi nhân tạo, cần tránh cho trẻ em ăn những loại cá này. Vì vậy, xét từ góc độ an toàn và dinh dưỡng, việc cho trẻ ăn cá biển sâu là một lựa chọn tốt.
3. Cá dưới kích thước trung bình ít nhiễm kim loại nặng hơn
Tốt nhất nên chọn cá có kích thước dưới cỡ trung bình. Vì cá càng lớn, thời gian sinh trưởng càng dài, càng nhiều kim loại nặng tích tụ trong cơ thể. Vì vậy, cha mẹ khi chọn cá cho con không nhất thiết phải chọn những loài quý hiếm mà có thể sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương và chọn những loại cá có giá cả phải chăng như cá trê xanh, cá trê vàng, cá mòi, cá bạc.
4. Những loại cá giàu DHA
Có ba loại axit béo omega-3 chính, được gọi là ALA, DHA và EPA. DHA là một acid béo thuộc nhóm acid béo Omega - 3. DHA cũng rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ vì acid béo này chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám giúp tạo ra trí thông minh. Vai trò DHA ở trẻ còn kích thích độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. Những loại cá giàu omega-3 gồm:
- Cá thu: Một khẩu phần cá thu có 0,59 g DHA, 0,43 g EPA. Cùng với omega-3, cá thu rất giàu selen và vitamin B-12.
- Cá hồi: Cá hồi là một trong những loại cá phổ biến và có giá trị dinh dưỡng cao. Có một số khác biệt giữa cá hồi hoang dã và cá hồi nuôi, bao gồm một số biến thể về hàm lượng omega-3.
Một khẩu phần cá hồi nuôi có chứa: 1,24 g DHA; 0,59 g EPA.
Một khẩu phần cá hồi hoang dã chứa: 1,22 g DHA; 0,35 g EPA.
Cá hồi cũng chứa hàm lượng cao protein, magiê , kali , selen và vitamin B.
- Cá chẽm: Cá chẽm là một loại cá phổ biến của Nhật Bản. Một khẩu phần cá chẽm chứa: 0,47 g DHA; 0,18 g EPA. Cá chẽm cũng cung cấp protein và selen.
- Cá mòi: Cá mòi là một loại cá nhỏ, mọi người có thể mua về đóng hộp và ăn như một món ăn nhẹ hoặc món khai vị. Một khẩu phần cá mòi đóng hộp chứa: 0,74 g DHA; 0,45 g EPA. Cá mòi cũng là một nguồn cung cấp selen và vitamin B-12 và D.
- Cá hồi vân: Cá hồi vân là một trong những loại cá phổ biến và tốt cho sức khỏe. Một khẩu phần cá hồi vân chứa: 0,44 g DHA; 0,40 g EPA. Ngoài omega-3, cá hồi vân là nguồn cung cấp protein, kali, và vitamin D.
Các bậc phụ huynh cũng thường hỏi đầu và trứng cá có nhiều chất dinh dưỡng không, có nên cho trẻ ăn thường xuyên không? Trên thực tế, có rất ít sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng của các bộ phận khác nhau của cá và trẻ em có thể ăn được. Đầu cá chứa DHA và lecithin cao hơn, giúp cải thiện trí thông minh và trí nhớ.
Tuy nhiên, nếu cá bị nhiễm bẩn và các chất ô nhiễm, kim loại nặng tích tụ trong đầu cá không dễ dàng thải ra ngoài thì loại đầu cá này không thích hợp cho trẻ ăn. Và khi ấy kể cả trứng cá cũng bị ảnh hưởng. Thịt cá tuy tốt cho trẻ em nhưng nên ăn vừa phải, thường ăn 2 lần / tuần, mỗi lần 50 ~ 100 gam.
5 loại cá không cho trẻ ăn kẻo ung thư hay độc chết người
1. Cá ướp
Khi cá đã chết, thời gian bảo quản rất ngắn, để ăn được lâu dài nhiều người chọn cách làm cá muối. Một số người cho rằng chỉ cần là cá thì dù ở dạng nào thì giá trị dinh dưỡng cũng như nhau, đây là ý kiến rất sai lầm. Thực tế, giá trị dinh dưỡng của những loại cá này đã bị mất đi trong quá trình muối chua.
Không chỉ vậy, cá muối chua còn chứa rất nhiều nitrit, chất gây ung thư nghiêm trọng nếu ăn quá thường xuyên. Cùng với vị mặn đặc biệt của cá muối, nếu ăn nhiều sẽ gây gánh nặng cho cổ họng và gan, thận.
2. Cá sống
Nhiều người đặc biệt thích ăn cá sống như gỏi cá, sashimi và còn cho trẻ ăn nhưng ăn cá sống có thể chứa nhiều ký sinh trùng và chất độc hại, nếu ăn trực tiếp sẽ xâm nhập vào cơ thể người và sinh sôi trong cơ thể người.
Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng có thể không nhìn thấy gì trong thời gian ngắn, vì giun cũng cần sinh sản và thích nghi. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sẽ xuất hiện các triệu chứng, trường hợp nhẹ có thể đau bụng, nặng còn có thể lây nhiễm sang các cơ quan quan trọng khác. Và ký sinh trùng vẫn có thể tiếp tục đi lại trong cơ thể, nếu đi lên não thì sẽ gây tổn thương não cho trẻ.
3. Cá bị ô nhiễm
Đối với các bậc phụ huynh khi mua cá, tốt nhất nên đến nơi am toàn để mua, không nên đến nơi có môi trường xấu, vì không phải ai cũng biết số cá này lấy ở đâu. Một số cá được đánh bắt từ mương nước rất ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, cá sinh trưởng trong nước thải và ăn nước ô nhiễm, thậm chí có thể chứa hóa chất độc hại. Cá sinh trưởng trong môi trường như vậy trong thịt của nó có rất nhiều độc tố, sau khi ăn vào có thể bị đau bụng, tiêu chảy,...
4. Cá chiên rán
Hầu hết các chất dinh dưỡng trong cá sẽ biến mất sau khi chiên. Khi trẻ ăn cá rán không những không hấp thụ được đủ chất dinh dưỡng mà còn gây khó chịu đường tiêu hóa, có hại cho sức khỏe của trẻ.
5. Cá nóc
Buồng trứng và gan, ruột, da, máu, nhãn cầu và trứng của cá nóc có độc, sau đó là gan. Chất độc đó là tetrodotoxin- một loại chất độc thần kinh, gây tê liệt cơ hô hấp và liệt thần kinh mạch máu, đồng thời kích thích đường tiêu hóa, độc tố lớn gấp 1.250 lần natri xyanua, chỉ 0,5 mg độc tố này có thể gây tử vong cho một người lớn nặng 70kg.
Tetrodotoxin không bị phá hủy khi đun nóng, ngâm muối hoặc phơi nắng, và độc tính của nó cũng liên quan đến chu kỳ sinh sản của chúng. Cá nóc đậu thai trứng vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè là loại độc nhất nên dễ bị ngộ độc nhất vào mùa xuân.
Phương pháp phòng ngừa duy nhất là không ăn cá nóc, vì không phải ai cũng biết cách chế biến cá nóc đúng cách, nên bố mẹ tốt nhất không nên mua cho trẻ ăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn