4 lỗi của các cặp đôi

07:18 | 07/02/2016;
Để mối quan hệ vợ chồng luôn ấm áp, hạnh phúc, ngoài việc cố gắng vun đắp, hâm nóng tình cảm thì hãy loại bỏ những quan niệm, cách hành xử sai lầm sau đây.
Bảo thủ
Bạn luôn cho rằng mình là người hoàn hảo từ ngoại hình, tính cách, đến tâm hồn, cũng có nghĩa mọi thứ thuộc về bạn đều ổn và bạn chẳng cần bất cứ sự thay đổi nào. Không ít người khi đã kết hôn phạm phải sai lầm: đã là vợ chồng thì mọi cuộc “chinh phục” đối phương đã hoàn tất và cũng chẳng cần “bí kíp” nào để “trói” người ấy.
Thực tế lại khác xa. Để hòa hợp, người trong cuộc luôn cần biết cách điều chỉnh mình một cách linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh sống. Bảo thủ, trì trệ, cứng nhắc chỉ khiến cho cuộc sống vợ chồng thêm căng thẳng, dễ xảy ra những bất đồng. Bất kỳ sự thay đổi nào, nhất là những điều thuộc về tính cách, thói quen bao giờ cũng không dễ dàng, nó đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm thực sự của bạn.
Sự bảo thủ, trì trệ, cứng nhắc sẽ khiến hôn nhân trở nên mệt mỏi (ảnh minh họa)
 
Quá bận rộn
Để rơi vào tình trạng bận bịu suốt ngày với công việc là một điều chẳng khó khăn gì, nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi “mê cung công việc” mới là vấn đề nan giải. Nếu bạn là mẫu người chỉ biết đến công việc, làm việc cật lực suốt ngày và có rất ít thời gian dành cho vợ/chồng thì hôn nhân của bạn sẽ thiếu “sức đề kháng” để vượt qua những rạn nứt, mâu thuẫn, sợi dây tình cảm sẽ mong manh, dễ đứt.
Một nhân tố quan trọng để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân là sự đòi hỏi người trong cuộc cần phải biết cách cân bằng thời gian giữa công việc bên ngoài với cuộc sống gia đình. Cho dù bạn có bận rộn đến đâu thì cũng cần giới hạn thời gian, tôn trọng những gì bạn đã lập trình và dành thời gian cho gia đình.
 
Ôm đồm mọi thứ
Trên thực tế, bạn là người giỏi giang, tháo vát, khéo léo, đảm đang, vừa có thể hoàn thành tốt công việc cơ quan, vừa khéo léo sắp xếp công việc gia đình, nuôi dạy con cái. Nhưng đây không phải là cách nuôi dưỡng hạnh phúc hôn nhân hiệu quả nhất, vì nó có thể gây nên những tác dụng ngược không mong muốn, thậm chí là những “cơn sóng ngầm” khiến gia đình bạn rạn nứt.
Trong tình yêu cũng như trong cuộc sống hôn nhân, luôn cần sự vun đắp từ cả 2 phía. Nếu bạn ôm đồm tất cả sẽ khiến cho người bạn đời trở nên “thừa thãi” trong gia đình - đầu mối gây nên những thói quen, tệ nạn. Thêm vào đó, sẽ có lúc bạn cảm thấy “kiệt sức” và không thể trụ vững nếu luôn phải một mình lo toan tất cả mọi việc, từ nhỏ đến lớn. Hãy để “người ấy” cùng bạn chung tay giải quyết mọi việc, mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu cũng sẽ trở nên đơn giản hơn, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc được nhân đôi.

 Nếu 'một phía' ôm đồm tất cả sẽ dễ tạo ra trong hôn nhân những cơn sóng ngầm (ảnh minh họa)

 
Luôn quan niệm hôn nhân là duy nhất
Không ai có thể phủ nhận giá trị của cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân tan vỡ sẽ gây nên những hệ lụy không nhỏ đến tâm sinh lý của bạn, con cái và mọi thứ xung quanh. Nhưng điều này không có nghĩa là trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng phải níu kéo cuộc hôn nhân hiện tại, cho dù đó là cuộc hôn nhân đã “mục ruỗng” từ lâu, vợ chồng chung sống với nhau trong cùng một mái nhà mà như những người xa lạ. Trong trường hợp này, cần có một quyết định sáng suốt để giải thoát cho cả hai, để tránh những cuộc xung đột, chấm dứt chuỗi ngày đen tối và quan trọng hơn là tránh để tác động xấu đến tâm sinh lý của con trẻ.
Sự nuôi dạy của cả cha lẫn mẹ có những giá trị tích cực đối với việc hình thành nhân cách của trẻ sau này nhưng khi quan hệ của cha mẹ trở nên tồi tệ, không thể cứu vãn thì lại tác động xấu đến con cái.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn