4 lời khuyên để thu nhập không cao vẫn sống thoải mái, có tiền tiết kiệm

19:00 | 26/09/2022;
Bằng cách thực hiện theo 4 lời khuyên này, bạn sẽ vẫn sống thoải mái và có tiền tiết kiệm dù thu nhập thấp. Nhớ rằng thu nhập thấp hay cao không đảm bảo cho tình hình tài chính của bạn.

Bạn có đang vật lộn với việc tiết kiệm tiền khi có mức thu nhập khiêm tốn? Mỗi khi lương về, bạn chỉ đủ trang trải chi tiêu và việc dành dụm tiền là điều cuối cùng bạn nghĩ đến.

Nếu bạn luôn phải đối mặt với cảm giác lo lắng làm sao có thể sống với mức thu nhập thấp thì tiết kiệm có thể là một trong những ưu tiên cuối của bạn. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không rơi vào hoàn cảnh đó và muốn tập trung cho một mục tiêu nào đó như tiết kiệm mua nhà hoặc muốn có chiến lược quản lý tiền hiệu quả hơn cho các gia đình có thu nhập thấp, dưới đây là 4 mẹo hữu ích:

Thu nhập của bạn thấp hay chi phí của bạn cao?

Mẹo đầu tiên chính là hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh về cả thu nhập và chi tiêu của bạn. Bạn cần biết mình kiếm được bao nhiêu và chi ra bao nhiêu cho những gì mỗi tháng.

Việc bạn kiếm được nhiều hay ít tiền không đảm bảo cho tài chính của bạn. Một hộ gia đình có thu nhập cao hơn nhưng gánh nhiều nợ thực tế lại kém hơn một gia đình thu nhập thấp hơn nhưng không có nợ. Kiểu gia đình thứ hai có thể tích lũy nhiều tiền tiết kiệm hơn mặc dù có thu nhập thấp hơn. Trong việc tiết kiệm tiền, những gì bạn chi tiêu cũng quan trọng như những gì bạn kiếm được.

Để biết thu nhập của mình, bạn có thể đơn giản là nhìn vào số lương được chi trả mỗi tháng nhưng để biết chi phí của bạn thường phức tạp hơn nhiều. Cách tốt nhất để bắt đầu là tìm một cuốn sổ hoặc phần ghi chú trong điện thoại ghi lại mọi thứ mà bạn chi tiêu mỗi ngày. Sau một vài tuần theo dõi chi tiêu, bạn sẽ có đủ thông tin để bắt đầu xem liệu có nơi nào bạn có thể chi tiêu ít hơn để tiết kiệm nhiều hơn. Một thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày có thể khiến bạn bất ngờ về lợi ích mang lại khi giúp thúc đẩy việc tiết kiệm bất chấp thu nhập thấp.

Coi việc tiết kiệm là trả tiền cho mình và chi trả cho chính mình trước tiên

Bạn có thể chưa bao giờ nghĩ về các khoản chi tiêu theo cách này nhưng phần lớn thu nhập của chúng ta được dùng để trả cho người khác. Chúng ta trả tiền thuê nhà, tiền vay nợ, tiền hàng tạp hóa, thanh toán các hóa đơn gia đình và nhiều chi phí khác trước khi nghĩ đến tiết kiệm. Nếu bạn luôn lo lắng về mọi thứ khác ngoài khoản tiết kiệm của mình trước, cuối cùng bạn sẽ chẳng còn bao nhiêu cho tiết kiệm sau khi đã chi tiêu.

Tiết kiệm tiền cũng giống như trả tiền cho chính mình vì tiền sẽ nằm trong túi của bạn chứ không phải của bất kỳ ai khác. Sau đó, những khoản tiền này có thể được đưa vào mục tiêu tiết kiệm, hỗ trợ bạn trong các khoản đầu tư cho hưu trí hay giúp đỡ người thân trong những trường hợp khẩn cấp về tài chính. Đó là lý do tại sao bạn nên đặt việc trả tiền cho bản thân (tức là tiết kiệm tiền) lên ưu tiên hàng đầu. Hãy quyết định xem bạn muốn trả bao nhiêu tiền mỗi tháng cho chính mình và làm điều đó trước thay vì tiết kiệm vài đồng còn sót lại sau khi đã chi tiêu.

Tiết kiệm tiền trong các tài khoản ngân hàng khác nhau

Khi thu nhập của bạn thấp, bạn cần đảm bảo rằng mỗi đồng tiền của bạn đều có giá trị và mục đích của riêng nó. Hãy đặt những gì bạn kiếm được vào các tài khoản tiết kiệm khác nhau để đảm bảo rằng mọi thứ sẽ đi đúng hướng hơn. Một lợi ích khác của việc này là nó có thể giúp quản lý tiền của bạn dễ dàng hơn, đặc biệt nếu bạn tự động hóa quy trình. Dưới đây là các bước để bạn thực hiện:

Có một tài khoản chính để nhận thu nhập.

Thiết lập một tài khoản tiết kiệm hoặc nhiều hơn nếu bạn muốn. Ví dụ: Bạn có thể có các tài khoản riêng cho quỹ khẩn cấp, quỹ sửa chữa xe cộ hoặc nhà cửa, quỹ tiết kiệm mua nhà…

Dựa trên ngân sách của bạn , hãy quyết định số tiền bạn muốn gửi vào mỗi tài khoản tiết kiệm đó mỗi tháng.

Thiết lập chuyển khoản tự động định kỳ từ tài khoản chính vào (các) tài khoản tiết kiệm của bạn. Bạn có thể thực hiện việc này thông qua một vài thao tác cài đặt trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến.

Sau khi thiết lập những điều này, bạn có thể quên đi và để tiền tiết kiệm của bạn tự tích lũy. Khi cần, bạn có thể sử dụng một trong những tài khoản đó mà không phải lo lắng về việc lấy đi bất kỳ mục tiêu tiết kiệm nào khác của mình. Nếu bạn thấy việc có quá nhiều tài khoản dễ gây nhầm lẫn, bạn có thể chỉ sử dụng một tài khoản và theo dõi số tiền cho mỗi mục tiêu bằng sổ ghi chép hoặc bảng tính. Ở đây không có điều gì là đúng hay sai hoàn toàn, quan trọng là chọn cách phù hợp nhất với bạn.

Tận dụng tối đa thu nhập của bạn với ngân sách

Mẹo cuối cùng và cũng là quan trọng nhất để bạn tiết kiệm tiền với thu nhập thấp là gộp mọi thứ vào một ngân sách.

Ngân sách về cơ bản là một kế hoạch cho cách bạn muốn tiêu tiền của mình. Ngân sách có thể giúp bạn giảm chi phí, tập trung vào việc thanh toán cho bản thân trước và quyết định cách tổ chức tài khoản ngân hàng của bạn. Bất kể thu nhập của bạn thấp, cao hay ở mức trung bình, một ngân sách vững chắc sẽ luôn giúp bạn tiết kiệm tiền hiệu quả và sớm đạt được các mục tiêu tài chính.

Dưới đây là 6 bước giúp bạn dễ dàng thiết lập ngân sách phù hợp:

Đặt mục tiêu thực tế: Đặt mục tiêu cho số tiền của bạn sẽ giúp bạn có những lựa chọn chi tiêu thông minh hơn. Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn muốn tình hình tài chính của mình như thế nào trong 1 năm nữa? Quyết định xem điều gì là quan trọng đối với bạn và bắt đầu từ đó.

Xác định thu nhập và chi phí: Để tiết kiệm tiền, bạn nhất định phải biết bản thân kiếm được bao nhiêu và chi tiêu những gì mỗi tháng. Bằng cách theo dõi chi tiêu, bạn sẽ bất ngờ với những nơi đồng tiền của mình đến.

Tách biệt nhu cầu và mong muốn: Hãy tự hỏi bản thân xem bạn thực sự cần hay chỉ là muốn sở hữu nó? Việc chi tiêu số tiền này sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến các mục tiêu tài chính của mình chứ? Bạn có thể sống mà không có nó không? Việc đặt ra các ưu tiên rõ ràng cho bản thân sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định dễ dàng hơn.

Thiết kế ngân sách: Hãy đảm bảo bạn không chi tiêu nhiều hơn những gì bạn kiếm được. Cân đối ngân sách của bạn để đáp ứng mọi thứ bạn cần chi trả. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng, bảng tính hoặc đơn giản là tự tính toán với một cuốn sổ.

Đưa kế hoạch của bạn vào hành động: Trước khi sử dụng những đồng tiền kiếm được, hãy tự hỏi mình đã phân bổ tiền cho những nhu cầu thiết yếu (nhà ở, thực phẩm, điện nước, phương tiện đi lại…) chưa? Bạn đã chuẩn bị trước cho các khoản trả nợ, chi tiêu đột xuất, tiết kiệm và giải trí chưa? Điều này sẽ giúp bạn tránh xa nợ nần, nói không với việc dựa vào tín dụng để trả chi phí sinh hoạt.

Nhìn về phía trước: Để bắt kịp ngân sách, bạn có thể mất 1, 2 tháng hoặc nhiều hơn thế. Hãy cho bản thân thời gian để làm quen và điều chỉnh, đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ khi cần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn