Mỗi thế hệ đều có cách tiếp cận khác nhau về tiền bạc và tài chính cá nhân. Trong số đó, những bạn trẻ Gen Z đang đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm về tiền.
Không giống như thế hệ trước, đã qua rồi cái thời người trẻ làm một công việc cố định, chắt chiu tiền bỏ vào ống heo và đợi đến một ngày nào đó công ty cấp cho họ một khoản lương hưu. Gen Z giờ dám chi tiêu mạnh để tận hưởng cuộc sống, bắt đầu học các thuật toán của TikTok, Facebook để có được các hợp đồng quảng cáo hay bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cá nhân.
Cũng theo Vivian Tu - nhà giáo dục kiến thức tài chính trên Busines Insider, Gen Z giờ đây không còn làm theo 4 lời khuyên tài chính, vốn được xem là "kim chỉ nam" trong thời ông bà cha mẹ của họ.
Nhiều người trẻ thừa nhận chán ghét khi thế hệ lớn tuổi nói rằng họ nên cắt giảm mức sống để tiết kiệm tiền, đặc biệt là trong vấn đề ăn ngoài. Lý giải nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho rằng Gen Z sinh ra trong thế hệ đầy đủ vật chất so với cha mẹ. Do vậy, họ có xu hướng chi tiêu tiền nhiều hơn để nâng cao mức sống.
Thực tế, số đông Gen Z vẫn nhận thức rằng việc chăm chỉ nấu ăn tại nhà thay vì mua thức ăn chế biến sẵn giúp họ tiết kiệm nhiều chi phí. Tuy nhiên, họ vẫn thích dành một khoản tiền trong thu nhập hàng tháng để đi ăn hàng cùng bạn bè hoặc chỉ đơn giản là tận hưởng thú vui cuộc sống.
Gen Z là thế hệ tiên phong của làn sóng đại khủng hoảng lao động trên toàn cầu (phong trào mà người lao đồng sẵn sàng rời bỏ công việc, hoặc yêu cầu cấp trên phải trả thêm tiền lương, tăng thêm quyền lợi và đối xử với họ tốt hơn).
Trái ngược với mong muốn có công việc ổn định từ các thế hệ trước, làn sóng khủng hoảng lao động đã tạo ra môi trường nơi Gen Z có thể đòi hỏi mức lương cao hơn, hoặc chấp nhận nộp đơn xin việc vào công ty khác có thể trả nhiều tiền hơn cho họ trong cùng một vị trí với công ty cũ.
Trung thành với một công ty không còn là lựa chọn kiếm tiền an toàn của Gen Z hiện nay.
"Nếu bạn làm việc tại một vị trí quá lâu, bạn có thể mất hàng đống tiền và quyền lợi vì sếp biết bạn sẽ không bao giờ rời đi. Bạn có thể tăng khoản tiết kiệm bằng cách thắt chặt chi tiêu, song một cách khác hiệu quả không kém là tìm công việc có mức lương cao hơn", Vivian Tu nói.
Khi còn nhỏ, Gen Z thường được ông bà cha mẹ nhắc nhở tránh xa tất cả khoản vay. Và nếu bạn vay tiền ai đó, bạn nên trả nợ ngay lập tức. Tuy nhiên, khi trưởng thành, số đông Gen Z cho rằng quan điểm này đã lỗi thời. Đặc biệt là ở các nước đã phát triển, nhiều người trẻ phải chấp nhận vay tiền từ quỹ sinh viên để trang trải cho học phí và các mục tiêu tài chính khác.
Vivian Tu nhận định, vay nợ từ thẻ tín dụng có thể cản trở người trẻ hoàn thành các mục tiêu tài chính. Song ngược lại, các khoản vay bằng hình thức tạm thế chấp tài sản, hay vay tiền để đầu tư kinh doanh đều có lợi trong việc xây dựng cuộc sống mà bạn mong muốn.
Vivian Tu chia sẻ thêm: "Kể cả với những người giàu, họ vẫn chấp nhận vay nợ trong thời gian ngắn hạn. Khi công ty tôi cho người nghèo vay tiền, chúng tôi gọi đó là nợ. Nhưng khi cho người giàu vay vốn, tôi gọi đó là 'đòn bẩy'.
Vay nợ không hoàn toàn xấu, nếu bạn biết cách tận dụng chúng. Giống như tài khoản tiết kiệm hay các khoản đầu tư khác, giờ đây nợ được người trẻ xem là công cụ xây dựng tương lai".
Hầu hết Gen Z là con cái của thế hệ X. Ngay khi còn nhỏ, họ đã thấy sự vật lộn mưu sinh của thế hệ X trước các làn sóng khủng hoảng kinh tế diễn ra thường xuyên. Gen Z đã quen với việc cha mẹ chỉ làm một công việc ăn lương ổn định bởi người lớn thường cho rằng tự mở kinh doanh đầy rủi ro và cần nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, Gen Z dễ dàng tìm hiểu về các mô hình khởi nghiệp.
Theo thống kê của Money Fit, có đến 35% gen Z đã có kế hoạch kinh doanh hoặc đã bắt đầu kinh doanh khi còn là sinh viên. Ngoài ra, có tới 51% trong số tất cả Gen Z đã tìm hiểu các mô hình bán hàng nhỏ lẻ. Điều này cho thấy Gen Z có mong muốn khởi nghiệp cao hơn và chấp nhận đánh đổi đổi rủi ro khi bán hàng hơn so với thế hệ trước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn