4 lưu ý đặc biệt khi ăn khoai tây

09:52 | 08/08/2016;
Khoai tây là loại củ thông dụng thường được dùng để chế biến nhiều món ăn trong gia đình. Tuy vậy, người nội trợ đã có những hiểu biết đúng về khoai tây, từ cách chọn, bảo quản đến cách chế biến... chưa?
khoai-ty-l_c.jpg
Cách chọn khoai tây
Nên chọn mua những củ rắn chắc, vỏ mịn và không bị sứt sẹo. Tuyệt đối không sử dụng những củ đã có chỗ bị hỏng, có mầm và có màu xanh lá cây. Màu xanh này là dấu hiệu cho thấy khoai tây đã tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng gây ra sự hình thành của các hợp chất độc tố có tên glycoalkaloids. Mặc dù không độc đến mức gây chết người nhưng độc tố có thể ảnh hưởng tới hương vị của khoai tây và không tốt cho dạ dày, thậm chí là gây tiêu chảy.

Bảo quản thế nào?
Nếu bảo quản ở nơi mát mẻ, thông thoáng, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và không rửa ướt thì khoai tây có thể sử dụng được trong vòng 2 tháng. Nên để khoai tây trong túi giấy hoặc túi vải; tránh đặt gần củ hành vì 2 loại củ này ở gần nhau sẽ tỏa ra một loại khí làm cả 2 nhanh hỏng hơn. Thay vào đó, nên để một quả táo chín gần khoai tây vì táo chín sẽ tỏa ra khí ethylene giúp kìm hãm việc nảy mầm ở khoai tây.

Cách chế biến
Cũng giống như các thực phẩm khác, giá trị dinh dưỡng của khoai tây phụ thuộc vào cách chế biến. Rán, tẩm bột, tẩm bơ… có thể rất ngon miệng nhưng lại  không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, bạn nên chọn cách nướng, hấp hoặc nấu súp… sẽ giúp tận dụng được hết những giá trị dinh dưỡng có lợi của khoai tây.
prod_5_00313796773341.jpg
Ngoài ra bạn cũng cần chú ý:

Nướng: Không bọc khoai tây trong giấy bạc cách nhiệt vì nó sẽ giữ ẩm và khiến khoai tây bị mềm. Hãy dùng dĩa chọc vài lỗ ở đầu và đặt khoai tây lên tấm nướng không dầu mỡ để nướng.

Chiên: Đun dầu thật nóng rồi mới cho khoai vào. Điều này sẽ giúp tạo ra một lớp phủ giòn ở bên ngoài khiến khoai tây chiên không bị ngấm quá nhiều dầu mỡ.

Luộc: Để làm salad khoai tây, nên đổ nước lạnh vào nồi, sau đó thả khoai tây đã thái hạt lựu vào và bật bếp. Nước nóng dần sẽ giúp các miếng khoai tây không bị vỡ nát.

Không bỏ vỏ khoai tây: Vỏ khoai tây chứa rất nhiều chất xơ; và khi được nướng giòn thì cũng rất hấp dẫn. Vì thế, khi nướng hoặc hấp khoai tây thì chúng ta không nên bỏ vỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn