4 lưu ý khi mang thai sau tuổi 35

07:03 | 03/07/2018;
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ không nên mang thai và sinh con sau tuổi 35. Tuy nhiên, hiện phụ nữ có con muộn ngày càng nhiều. Vì thế, nếu mang thai sau tuổi 35, chị em cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau.
1. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Minh, BV Phụ sản Trung ương, khả năng sinh sản của phụ nữ tốt nhất là ở độ tuổi 20, đây là khoảng thời gian trứng có số lượng và chất lượng tốt nhất. Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm khi bước sang tuổi 30 và giảm đáng kể sau tuổi 35.
 
Nguy cơ sảy thai và biến dị về kiểu gene cũng tăng lên sau tuổi 35. Phụ nữ có thể đối mặt với các biến chứng trong thai kỳ hoặc trong quá trình sinh nở.
 
2. Sau tuổi này số lượng trứng-chất lượng trứng (gọi chung là dự trữ buồng trứng) giảm, chưa kể tuổi tác gia tăng thì nguy cơ nhân xơ, lạc nội mạc tử cung cao. Vì vậy chuyện có thai, sinh con bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, những bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường cũng là mối nguy hại cho việc mang thai, sinh nở.
 
anh-9-thang-10-ngay.jpg
Mang thai, đặc biệt là sau tuổi 35, bà bầu nên đi khám thai định kỳ theo tư vấn của bác sĩ

 

Trong khi đó, cao huyết áp và tiểu đường là những bệnh lý tác động trực tiếp đến bánh nhau, sự phát triển của thai nhi. Thai phụ sau tuổi 35 cũng dễ gặp rủi ro như tiền sản giật, sảy thai, sinh non, u xơ tử cung, nhau thai bất thường...
 
3. Bên cạnh đó, mẹ lớn tuổi còn kéo theo nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh. Ví dụ, mẹ 20 tuổi nguy cơ này ở con là 1/525; 30 tuổi là 1/385; 35 tuổi là 1/200 và 40 tuổi là 1/65. Theo Hiệp hội nghiên cứu bệnh Down Hoa Kỳ, một người phụ nữ 25 tuổi sẽ có 1/1.200 khả năng sinh con mắc hội chứng Down; ở tuổi 35, nguy cơ đó sẽ là 1/350; đến tuổi 40, nguy cơ là 1/100.
 
4. Vì vậy, khi có ý định sinh con ở độ tuổi 35 trở đi, hãy kiểm tra sức khỏe và hỏi ý kiến bác sĩ trước mang thai. Trong quá trình mang thai, cần khám thai sớm và thường xuyên. Ngoài việc khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm thường quy, bạn cần nghiêm túc thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật, tầm soát bất thường ở thai nhi. Tuỳ trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể như sinh thiết gai nhau, chọc ối...
 
Ngừa rủi ro khi mang thai có tuổi
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hồng Minh, nếu muốn sinh con khi lớn tuổi, cần khám sức khỏe trước khi mang thai. Nếu mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần được bác sĩ điều trị và tư vấn kỹ để kiểm soát tốt các tình trạng này khi bạn mang thai. Trước và trong quá trình mang thai, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng các thành phần dinh dưỡng.
 
Ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết. Ăn nhiều trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu thịt nạc, và các sản phẩm sữa ít chất béo. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm bổ sung acid folic cùng nhiều dưỡng chất khác như rau xanh lá (cải, súp lơ...); gan và một số loại trái cây có múi (cam, quýt, bưởi...).
 
Chị em cũng cần áp dụng lối sống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, bia; tập thể dục hợp lý. Bên cạnh đó, cần uống 0,4mg acid folic mỗi ngày, ít nhất 1 tháng trước khi có thai và trong suốt thai kỳ để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ. Ngoài ra, cần giảm cân nếu dư cân, béo phì. Tìm hiểu về hóa chất độc hại trong môi trường sống và làm việc để hạn chế khả năng tiếp xúc, tránh ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn