Hiện tại với học sinh cuối cấp, việc ôn luyện các đề thi là điều rất cần thiết. Điều này giúp học sinh rà soát lại kiến thức, hoàn thiện các kĩ năng. Quan trọng nhất là xác định năng lực của bản thân đang ở mức nào để điều chỉnh lộ trình ôn tập cho phù hợp nhằm đạt được mục tiêu điểm số mong muốn.
Tuy vậy không phải học sinh nào cũng có phương pháp tự luyện đề phù hợp, hoặc phụ huynh chưa có cách kiểm soát việc luyện đề ở nhà của con. Chẳng hạn, không phải đề thi nào cũng được kiểm chứng và đảm bảo chất lượng. Những đề này có thể đã quá cũ, không phù hợp với xu hướng ra đề ở thời điểm hiện tại, hoặc có cấu trúc không sát với ma trận đề thi thực tế,… Hay, trong quá trình luyện đề, học sinh vì quá "ham" mà làm thật nhiều thay vì đảm bảo nắm bắt kĩ từng đề...
Thầy Trần Nhật Minh, tác giả sách "Các dạng bài và đề ôn thi vào lớp 6 CLC" cho biết, phụ huynh và học sinh cần nắm được một số lưu ý cần thiết để nâng cao hiệu quả của việc tự luyện đề cho học sinh.
1. Tìm nguồn đề phù hợp: Đề thi có rất nhiều, song không phải đề nào cũng phù hợp. Các bạn có thể tham khảo từ sách của các tác giả có tiếng; đề thi chính thức của các trường qua các năm, đề thi thử lấy từ các nguồn đảm bảo (từ các thầy cô uy tín hoặc từ chính các trường).
2. Nên có 1 vở làm đề riêng: Thực tế nhiều bạn hay có thói quen làm đề theo kiểu làm thẳng vào đề hoặc làm ra giấy, tiện đâu làm đấy rồi không cẩn thận quăng quật chỗ nọ chỗ kia hay làm mất. Như vậy sẽ khó có thể theo dõi được quá trình luyện đề của mình.
3. Không nên có tư tưởng cày thật nhiều để lấy số lượng: Luyện đề thì đương nhiên không thể làm ít quá hay làm kiểu rải rác, không đều; song nếu luyện theo tư tưởng cố cày thật nhiều, cày miệt mài với suy nghĩ làm càng nhiều thì càng dễ tủ được dạng bài thì hoàn toàn sai lầm.
Nếu luyện mà không có phương pháp, chỉ dựa vào sức lực thì bạn có làm 100 đề xong, đến đề thứ 101 cũng chưa chắc đã giải quyết nổi. Tóm lại, luyện đề cần chắt lọc, không tràn lan; khi làm đề nào, phải đảm bảo thật chắc đề ấy.
4. Tăng sự chủ động, tự giác, mỗi đề nên được làm nhiều hơn 1 lần để rà soát: Đa số các học sinh thường chỉ làm mỗi đề 1 lần rồi thôi. Đặc biệt với các đề có sẵn đáp án, nhiều bạn làm theo kiểu ào cho xong rồi mở lời giải ra xem. Điều này có nghĩa là các bạn đang bị phụ thuộc vào lời giải có sẵn, và có những dạng bài mình còn yếu, hoặc chưa biết cách làm thì gần như khi vào các đề sau gặp những bài tương tự hoặc biến tấu đi thì bạn vẫn sẽ có tỉ lệ bó tay rất cao.
Tốt nhất, mỗi đề nên làm 2 - 3 lần. Trong đó lần 1 làm đúng thời gian của đề để định lượng khả năng, điểm số. Sau đó tiếp tục làm thêm ít nhất 1 lần nữa để hoàn thiện và bổ sung các câu khó, câu chưa làm được (có thể suy nghĩ thêm hoặc nếu quên dạng thì xem lại các bài đã học để ghi nhớ).
Với các đề có phần trắc nghiệm, học sinh hãy có thói quen làm lại những bài đó ra vở bằng cách trình bày, như vậy sẽ nắm bài chắc hơn và sâu hơn, cũng như tiện cho việc sửa lại những câu làm sai (sau khi có bài chữa của thầy cô hoặc tham khảo gợi ý, đáp án).
Thầy Minh cho rằng, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý nhắc nhở và quán triệt cho các con, vì đây là những điều rất cần thiết, nếu các con thực hiện đúng và đủ thì chắc chắn kết quả học tập sẽ được cải thiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn