Trẻ em cần phải ăn một bữa sáng lành mạnh để nạp năng lượng cho cơ thể sau khi ngủ, vì não và cơ thể của chúng vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, 20%–30% trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng bỏ bữa ăn này hoặc ăn uống qua loa hoặc có những người cho trẻ ăn bún, phở, cháo. Tuy nhiên chúng đều không phải là những bữa sáng lành mạnh nhất cho trẻ, dưới đây là những món ăn sáng tốt nhất cho trẻ.
1. Trứng
Trứng là món ăn chủ yếu trong bữa sáng, vì chúng dễ chế biến, linh hoạt và chứa nhiều protein chất lượng cao và các chất dinh dưỡng khác.
Các protein trong trứng là đặc biệt quan trọng đối với trẻ em đang phát triển vì nó giúp xây dựng cơ bắp và các mô. Ngoài ra, so với ngũ cốc, trứng có thể giúp trẻ cảm thấy no hơn trong suốt buổi sáng.
Hơn nữa, lòng đỏ trứng là một nguồn chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin, có lợi cho sức khỏe của mắt và não.
Một nghiên cứu ở trẻ em 8 và 9 tuổi cho thấy những đứa trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu lutein như trứng sẽ có lượng lutein trong võng mạc cao hơn. Điều này có liên quan đến kết quả học tập được cải thiện, bao gồm cả điểm số tốt hơn trong môn toán và ngôn ngữ viết .
2. Ngũ cốc nguyên hạt lành mạnh
Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mì nguyên hạt, yến mạch, hạt quinoa, lúa miến và kê lành mạnh hơn ngũ cốc tinh chế vì chúng có nhiều chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất hơn.
Trẻ em có thể được lợi khi ăn những loại ngũ cốc nguyên hạt này. Trong một nghiên cứu kéo dài 9 tháng ở trẻ em từ 9-11 tuổi có cân nặng vượt trội, những đứa trẻ ăn 3 phần thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng eo và tỷ lệ mỡ cơ thể thấp hơn so với những đứa trẻ ăn chế độ ăn uống thông thường.
3. Sữa
Sữa giúp xương chắc khỏe vì chứa đầy canxi và vitamin D. Một ly sữa khoảng 8 ounce (0,2 lít) cũng chứa nhiều phốt pho, vitamin B12, kali và có 8 gam protein.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh không nên uống sữa bò cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Cho trẻ uống sữa nguyên chất cho đến khi 2 tuổi nhưng giữ dưới 32 ounce(0,9 lít) trong ngày. Sau 2 tuổi, trẻ có thể uống sữa ít béo.
Nếu con bạn không thích sữa bò, ngày nay có rất nhiều loại sữa thay thế trên các kệ hàng. Nhưng hãy kiểm tra nhãn dinh dưỡng và chọn các loại không đường hoặc ít đường cho con bạn. Mỗi loại sữa thay thế đều có thành phần dinh dưỡng hơi khác nhau, sữa đậu nành có nhiều protein nhất.
4. Trái cây và rau
Trái cây và rau quả có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng hầu hết trẻ em - và người lớn - không ăn đủ lượng khuyến nghị hàng ngày. Ăn thêm trái cây và rau vào bữa sáng có thể giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.
Trong một nghiên cứu ở học sinh 16 và 17 tuổi, ăn nhiều rau có liên quan đến việc giảm huyết áp và mức cholesterol, trong khi ăn nhiều trái cây hơn có liên quan đến chỉ số BMI thấp hơn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc cung cấp trái cây và rau ở nhà và ăn chúng với con bạn sẽ giúp chúng có thói quen ăn những thực phẩm này
4 kiểu đồ ăn bữa sáng trẻ không nên ăn
1. Bữa sáng ven đường
Nhiều cha mẹ vì buổi sáng quá bận rộn nên có thể cho trẻ ăn những món ăn vội bán ven đường. Các quán ăn sáng ven đường tuy thuận tiện nhưng đôi khi điều kiện vệ sinh không thể đảm bảo. Ví dụ các loại bánh rán, bánh chiên có thể sử dụng lại dầu cũ, sữa đậu nành không đảm bảo vệ sinh,...
Cơ thể trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện nên việc ăn những thực phẩm thiếu vệ sinh, không lành mạnh thường xuyên có thể gây hại cho trẻ.
2. Bữa sáng là đồ ăn thừa hôm trước
Bởi vì nhiều cha mẹ không thể dậy sớm để làm bữa sáng vào buổi sáng nên một số người chọn nấu nhiều hơn một chút vào tối hôm trước và đợi đến ngày hôm sau đun sôi và hâm nóng bằng lò vi sóng trong vài phút để có bữa sáng nóng hổi.
Do nhiều cha mẹ cho rằng thực phẩm để tủ lạnh sẽ không hỏng, hôm sau đun nóng lại ăn sáng sẽ rất tiện lợi. Nhưng thực tế, thức ăn khi hâm nóng chưa đủ rất dễ sinh ra độc tố, người lớn có thể không cảm thấy có gì bất ổn về chức năng miễn dịch nhưng trẻ em lại dễ gặp các vấn đề về đường tiêu hóa.
Hơn nữa, các chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ bị mất đi rất nhiều khi đun nóng, không đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
3. Xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp
Thịt đóng gói, đóng hộp, thịt đã qua xử lý chứa hàm lượng nitrat cực kỳ lớn. Bắt đầu một ngày mới bằng các loại thịt này sẽ làm gia tăng nguy cơ bị ung thư ở trẻ. Người mẹ hãy thay thế lượng protein cần nạp cho trẻ buổi sáng bằng những thực phẩm lành mạnh hơn như trứng, sữa và phô mai.
4. Mì ăn liền
Lối sống hiện đại bận rộn khiến nhiều bậc phụ huynh lựa chọn mì ăn liền làm bữa ăn sáng cho con. Tuy món ăn này chế biến nhanh chóng và dễ dàng nhưng nó được chiên đi chiên lại nhiều lần, hàm lượng chất béo khá cao và khi đi vào cơ thể có nguy cơ tồn đọng lại rất lâu. Ăn nhiều mì ăn liền là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón do mì ăn liền không cung cấp vitamin và chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa.
Tóm lại, đối với trẻ em, bữa sáng nên có sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt và rau để đảm bảo đủ chất. Đừng lạm vì những lý do như không đủ thời gian mà chuẩn bị cho trẻ bữa sáng qua loa, vì cơ thể trẻ có thể gặp nhiều vấn đề khác nhau do những bữa sáng kém chất lượng này.
Dậy sớm mười phút để chuẩn bị bữa sáng đầy đủ có thể giúp ích cho sự tăng trưởng và phát triển của con bạn. Tại sao không làm điều đó?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn