Thời tiết bắt đầu lập thu, dù hầu hết các khu vực vẫn còn trong cái nắng như thiêu đốt, nhiệt độ và độ ẩm sẽ giảm dần, kéo theo đó là mùa thu hanh khô. Tình trạng này dễ dẫn đến suy kiệt âm khí, dẫn đến khô họng, khô mũi, khô da. Vì vậy, mọi người nên ăn nhiều các thực phẩm có thể dưỡng âm, làm ẩm, giảm hỏa. Dưới đây là bốn loại thực phẩm sinh trưởng dưới nước, thuộc thực vật thủy sinh, không chỉ có vị thanh mát mà còn có công năng đặc biệt dưỡng âm hiệu quả. Đó là củ sen, khiếm thực, củ mã thầy và củ ấu.
Củ sen
Củ sen được chia thành củ sen bảy lỗ và củ sen chín lỗ. Củ sen bảy lỗ thích hợp làm canh. Loại củ này ít nước, hàm lượng tinh bột cao, giúp món ăn có độ dẻo và thơm ngon. Ngược lại, củ sen chín lỗ có hàm lượng nước cao, vị giòn rất thích hợp để xào, trộn gỏi.
Theo quan điểm y học Trung Quốc, củ sen là một biện pháp tốt nhất để thanh lọc chất độc trong cơ thể. Củ sen rất tốt cho sức khỏe. Người trung niên và người già dạ dày không tốt có thể ăn loại này, do củ sen có tác dụng bổ tỳ vị, bồi bổ dạ dày. Người kém ăn có thể dùng củ sen xào với rau cần tây hoặc xay thành tinh bột, rất phù hợp với những người có nhu động đường tiêu hóa kém. Người bệnh tiểu đường khi ăn củ sen nên chọn củ giòn, có ít tinh bột hơn so với củ sen 7 lỗ.
Người Hàn Quốc coi củ sen là "nhân sâm dưới nước" và sử dụng nó trong các bữa ăn. Họ còn sử dụng củ sen khô làm trà uống tốt cho đường hô hấp, giúp lọc máu, dễ ngủ. Đối với người Ấn Độ củ sen là một món ăn thiêng liêng vì nó tựu lại 3 yếu tố đất, nước và không khí. Họ cho rằng củ sen tốt trong điều trị huyết áp, cầm máu, thiếu máu do rong kinh, bảo vệ tim, điều hòa nhiệt độ cơ thể và loại bỏ chất nhầy...
Củ mã thầy
Củ mã thầy. (Ảnh minh họa)
Củ mã thầy có bề ngoài đen sì, nhiều rễ bám quanh thân quả, nhưng khi bóc lớp lông đen bên ngoài sẽ lộ ra thịt quả trắng như tuyết.
Y học Trung Quốc cho rằng củ mã thầy có vị ngọt, đi vào kinh mạch phổi, đối với những người bị ho thường xuyên, dung tích phổi thấp thì nên ăn củ mã thầy. Củ này có tác dụng làm ẩm phổi, trong khi chất xơ thô trong củ có thể giúp bài tiết đường tiêu hóa và có tác dụng tích cực đối với chứng táo bón do dạ dày gây ra.
Củ này còn có có công dụng thanh nhiệt, giải độc, thông dạ dày, là thực phẩm giải cảm hanh khô vào mùa thu.
Củ ấu
Củ ấu có nhiều màu như xanh thẫm, đỏ, tím. Sau khi luộc chín, quả có mùi thơm nhẹ, đập vỏ ra, bên trong là thịt trắng, bở. Củ ấu có thể ăn cả sống lẫn chín.
Nước củ ấu sống có thể làm dịu cơn khát, trong khi củ luộc chín mới ăn có thể tăng cường sức khỏe lá lách. Nếu ăn quá nhiều dầu mỡ, bạn có thể ăn củ ấu, có thể giúp thanh hỏa, khử khô, đặc biệt thích hợp với những người khó tiêu, ăn nhiều dầu mỡ. Củ ấu non ăn sống có tác dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy. Trái ấu già có tác dụng kiện tỳ bổ khí, dùng cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược.
Củ ấu. (Ảnh minh họa).
Sở dĩ củ ấu có thể được sử dụng làm lương thực chính là vì là loại thực phẩm cung cấp năng lượng cao, với hàm lượng tinh bột từ 50% đến 90% . Nó cũng chứa glucose, protein, canxi, phốt pho, sắt và vitamin, nhưng ít chất béo.
Hạt khiếm thực
Khiếm thực còn có tên là kê đầu, khiếm. Tên khoa học Euryale ferox Salisb; thuộc họ súng Nymphaeaceae. Hạt của cây khiếm thực được phơi, sấy khô, gọi là hạt khiếm thực.
Hạt khiếm thực chứa rất nhiều thành phần có lợi cho cơ thể con người như protein, canxi, photpho, sắt, vitamin. B1, B2, vitamin C và dầu thô, chất xơ và caroten... Người già yếu thường nấu cháo hạt khiếm thực để bồi bổ tỳ vị, bổ thận.
Trong Đông y, khiếm thực được coi là một vị thuốc bổ, có tác dụng trấn tĩnh, dùng trong các bệnh đau nhức dây thần kinh, tê thấp, đau lưng, đau đầu gối. Nó còn có tác dụng chữa di tinh, tiểu nhiều, phụ nữ khí hư, bạch đới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn