TV trí tuệ nhận thức đầu tiên trên thế giới
Mới đây, hãng Sony (Nhật Bản) đã ra mắt thế hệ TV Bravia XR mới. Tích hợp bộ xử lý trí tuệ nhận thức Cognitive Processor XR, Sony mô tả bộ não của các dòng TV Bravia XR sẽ vượt ngoài khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm mô phỏng cách con người nghe và nhìn.
Theo Sony, trong khi trí tuệ nhân tạo hiện nay chỉ tìm kiếm và phân tích các yếu tố hình ảnh như màu sắc, sự tương phản và các chi tiết một cách riêng lẻ, bộ xử lý mới của Sony có thể phân tích chéo khoảng vài trăm nghìn yếu tố cùng một thời điểm, tương tự cách não người hoạt động. Bằng cách này, mỗi yếu tố sẽ được điều chỉnh để tạo ra sự hài hòa và cảm giác chân thực - điều mà AI chưa thể đạt được. Cognitive Processor XR có khả năng học, phân tích và hiểu được lượng dữ liệu lớn để tối ưu điểm ảnh, khung hình và cảnh thông minh.
Phát hiện Covid-19 trong 2 phút qua hơi thở
Để chung tay đối phó với đại dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng, Công ty công nghệ Silver Factory Technology đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Singapore và một số cơ sở khác phát triển thành công thiết bị phát hiện Covid-19 cực nhanh qua hơi thở. TracieX (tên của thiết bị) được chứng minh cho kết quả chính xác tương đương như xét nghiệm PCR.
Theo nhật báo Straits Times, TracieX giúp con người an toàn di chuyển và kiểm tra tại các sự kiện quy mô lớn. Dự kiến, Singapore sẽ sớm triển khai TracieX trên diện rộng. Nó sử dụng một chip cảm biến để xác định dấu vết phân tử có trong hơi thở của bệnh nhân Covid-19. Khi thao tác TracieX, người dùng chỉ mất 10 giây để thở vào máy và chưa đầy 2 phút sau sẽ cho kết quả. So với xét nghiệm PCR, độ nhạy của máy thở TracieX đạt trên 95% và độ đặc hiệu đạt trên ngưỡng 99%. Độ nhạy là khả năng xác nhận mẫu dương tính, còn độ đặc hiệu thì dùng để xác nhận âm tính.
Hà Lan huấn luyện ong để phát hiện Covid-19
Phòng nghiên cứu thí nghiệm thú y sinh học thuộc Đại học Wageningen (WU) Hà Lan đã huấn luyện thành công ong giúp phát hiện nhanh Covid-19 qua khứu giác. Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 150 con ong bằng cách cho chúng hút dung dịch đường ngọt mỗi khi chúng tiếp xúc với mùi của một con chồn bị nhiễm Covid-19. Mỗi lần những con ong tiếp xúc với mẫu chồn không bị nhiễm bệnh, chúng sẽ không được thưởng nước đường, còn khi phát hiện đúng đối tượng sẽ được thưởng nước đường. Cuối cùng, những con ong có thể xác định mẫu bị nhiễm bệnh trong vòng vài giây, sau đó thè lưỡi ra để hút nước đường.
Theo các nhà khoa học, ong không phải là loài động vật duy nhất phát hiện ra Covid-19 qua mùi hương. Trước đó, chó đã được huấn luyện để làm điều này, phân biệt các mẫu Covid-19 dương tính và âm tính từ nước bọt hoặc mồ hôi của chủ thể với mức độ chính xác lên tới 94%. Sở dĩ có độ chính xác này là do những thay đổi về trao đổi chất từ virus SARSCoV-2 khiến mùi cơ thể của người bị nhiễm Covid khác với người khỏe mạnh. Nghiên cứu đang được tiếp tục thực hiện nhưng ở môi trường ngoài phòng thí nghiệm để kiểm chứng độ chính xác.
Sắp có pin thể rắn siêu an toàn
Trang tin công nghệ của Nhật Bản Asia.nikkei (ANC) cho biết, hãng sản xuất linh kiện điện tử Murata Manufacturing (MM) đang bắt tay vào sản xuất hàng loạt pin thể rắn siêu an toàn dùng cho tai nghe và thiết bị mang trên người. Bước đầu một dây chuyền của MM sẽ được đầu tư Yasu Division ở tỉnh Shiga, Nhật Bản. Theo MM, pin thể rắn sử dụng chất điện phân rắn cách nhiệt giữa hai điện cực. Đây là bước đột phá, kết hợp công nghệ pin lithium-ion mua lại từ Sony với kỹ thuật cán mỏng do chính MM phát triển để sản xuất tụ điện gồm nhiều lớp.
Do pin thể rắn sử dụng chất điện phân rắn cách nhiệt giữa hai điện cực nên an toàn hơn và có mật độ năng lượng cao hơn so với pin lithium-ion truyền thống sử dụng chất điện phân lỏng dễ cháy. Pin của MM sử dụng oxit cho chất điện phân nên không phù hợp với các hộ tiêu thụ nhưng đổi lại, nó an toàn cho con người vì không cháy nổ, không tạo ra khí độc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn