Thiết bị “lai” tạo năng lượng kiêm làm mát mái nhà
Đại học Stanford, Mỹ (UoS) vừa phát triển thành công thiết bị “lai” lắp trên mái nhà, vừa sinh điện năng từ ánh sáng mặt trời lại kiêm chức năng kéo nhiệt nóng từ bên trong ra ngoài, làm mát ngôi nhà nên tiết kiệm đáng kể điện năng do không phải chạy điều hòa. Hệ thống chức năng kép này có cấu trúc dạng tấm pin năng lượng mặt trời, bề mặt tích hợp vật liệu bán dẫn giống như các tấm pin truyền thống, còn lớp bên dưới là vật liệu có khả năng biến lượng nhiệt tòa nhà thành bước sóng đặc biệt dạng ánh sáng hồng ngoại.
Giáo sư Shanhui Fan, trưởng nhóm nghiên cứu ở UoS cho biết, qua thử nghiệm cho thấy, hệ thông có thể hấp thụ ánh nắng ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường 24°C, còn lớp làm mát bức xạ bên dưới thấp hơn nhiệt độ môi trường 29°C. Điều này cho thấy, nhiệt tỏa ra từ phía dưới đã đi qua hệ thống và phóng không ra ngoài nên không chỉ sinh điện mà còn có tác dụng làm mát tòa nhà, “một mũi tên trúng hai đích” cùng một lúc.
Máy quét toàn thân đầu tiên trên thế giới
Cho tới nay con người mới chỉ có máy quét được từng bộ phận nhưng các nhà khoa học tại Phân ban UC Davis and United Imaging Healthcare (UUH) Mỹ vừa phát triển thành công máy quét toàn thân đầu tiên trên thế giới. Có thể quét 3D chi tiết cơ thể người, có tên Explorer, tốc độ nhanh 40 lần so với máy chụp cắt lớp phát xạ positron (PET scan). Explorer được trang bị gần 2.000 đầu dò, tạo ra trường nhìn hướng trục khoảng 2m, trọng lượng hơn 10 tấn và tiêu thụ xấp xỉ 60 kW điện.
Nguyên lý hoạt động của Explorer là kết hợp kỹ thuật PET scan với chụp cắt lớp vi tính tia X (CT scan). Đây là công nghệ bản quyền nên tối ưu hơn so với các dòng máy cũ. Nó có thể quét 3D toàn thân với chi tiết cực nhỏ và chính xác nhờ kỹ thuật quan sát các chất phóng xạ đánh dấu di chuyển khắp cơ thể theo ba chiều, giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh, chính xác, nhất là cho những căn bệnh nan y như ung thư, tim mạch.
Thiết bị đeo giám sát sức khỏe vật nuôi
Khi cần theo dõi chế độ ăn, ngủ và tình trạng sức khỏe của gia súc gia cầm, mọi người có thể dùng thẻ đeo Ceres Tag do Trung tâm ứng dụng CSIRO (Úc) vừa phát triển. Ceres Tag là thiết bị đeo thông minh có thể giám sát sức khỏe vật nuôi một cách toàn diện, giảm rủi ro, nâng cao chất lượng chăn nuôi và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ceres Tag được kích hoạt GPS, cho phép nông dân theo dõi vị trí của từng con vật từ xa thông qua công nghệ Internet vạn vật (IoT).
Ngoài ra, Ceres Tag được tích hợp những chức năng hữu ích như đo nhịp tim, nhịp thở và các dấu hiệu khác như mức độ vận động, lượng calorie tiêu thụ và nhiều thông số quan trọng khác, kể cả vị trí đàn gia súc của khi thả ngoài đồng, khi con vật bị lạc hay bị đánh cắp. Ceres Tag đã được thử nghiệm thành công trên 100 gia súc tại Trạm nghiên cứu Lansdown của CSIRO gần Townsville, Queensland vào cuối năm 2018.
Máy lọc không khí cầm tay dùng cho gia đình
Có tên bMOLA GO, sản phẩm của ĐH Bách Khoa HongKong (HKUST) vừa đưa ra giới thiệu. Đây là máy máy lọc không khí di động cấp y học dùng cho gia đình, có thể đặt ở bất cứ đâu, kể cả trong nhà, trong xe ô tô... bMOLA GO có kích thước gọn nhẹ, mang tính trang trí, nặng 2,12 lbs (gần 1 kg) với bốn gam màu bắt mắt. bMOLA GO sử dụng công nghệ bản quyền NCCO (Ôxy hóa xúc tác nano) để làm sạch không khí xung quanh.
Ngoài bộ lọc HEPA và máy tạo oxy hoạt hóa, bMOLA GO còn có cả lò phản ứng NCCO siêu nhỏ, có thể tinh lọc được 99% các môi chất có hại trong không khí như mùi, khói, phấn hoa, vi khuẩn, vi rút, VOC, PM2.5 và bụi. Công suất lọc được không gian rộng 108-216 bộ vuông (10-20 mét vuông), độ ồn khi ở chế độ im lặng là 34dB, nên không làm gián đoạn giấc ngủ, dùng pin sạc tích hợp với 8 giờ vận hành khi sạc đầy. Riêng lò phản ứng NCCO có tuổi thọ 12 năm, mỗi năm thay bộ lọc HEPA một lần.