Dịp nghỉ lễ, nhiều trẻ nhỏ gặp phải vấn đề mất cân bằng dinh dưỡng do chế độ ăn uống có sự thay đổi. Để trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần thực hiện một số lưu ý sau đây:
Nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Bữa ăn nên cân đối 4 nhóm dưỡng chất: Bột đường (cơm, cháo, các loại đậu, củ, hạt...); đạm (thịt cá, trứng, hải sản, đậu nành...); chất béo (mỡ, dầu thực vật, bơ...) và vitamin, khoáng chất (các loại rau xanh, trái cây...). Đặc biệt, trong các bữa ăn ngày Tết, nên chú ý bổ sung đủ rau xanh hoặc có thể thay thế bằng quả chín.
Trên thực tế có nhiều đứa trẻ không thích ăn rau xanh, chỉ thích ăn thịt và các món chiên giòn. Việc thiếu hụt rau củ trong chế độ ăn có thể khiến trẻ bị táo bón và nhiều vấn đề khác. Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ có thể truyền cảm hứng ăn rau củ cho con mình, cho trẻ tham gia nấu ăn cùng hoặc chế biến thành các món hấp dẫn.
Những ngày nghỉ lễ, các mẹ thường không có nhiều thời gian nên bỏ qua các bữa ăn của con. Nhiều gia đình chiều chuộng cho bé ăn đồ ăn nhanh suốt cả mấy ngày trời. Tuy nhiên, việc các bé ăn thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên và nước ngọt, đặc biệt các bé ở độ tuổi đi học (từ 5 -12 tuổi) sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Hậu quả của thói quen ăn uống không lành mạnh này không chỉ dừng lại là béo phì, tim mạch hoặc đái tháo đường lâu dài; mà gần đây vấn đề về trí não, dậy thì sớm (muộn) và tình trạng kén ăn cũng được quan tâm rất lớn của Bộ Y tế Anh và các nước.
GS.BS. Robinson (ĐH Stanford, Mỹ) đã tiết lộ: "Khi trẻ được cho ăn những món ăn như gà rán, nước ngọt một lần cũng đã đủ kích hoạt vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát. Vòng tròn bắt đầu với việc bé sẽ hình thành sự ghi nhớ và yêu thích những vị của các món này rất mãnh liệt và ảnh hưởng đến tất cả các vị của món ăn khỏe mạnh khác. Dần dần, các bé sẽ tự chọn và yêu cầu chỉ với những thực phẩm gây nhiều hứng thú vị giác này cho các bé".
Thế nên, trong các ngày nghỉ, bố mẹ vẫn nên cố gắng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau củ quả và đồ hấp, hạn chế đồ dầu mỡ, chiên rán để đảm bảo sức khỏe của con.
Trong các ngày nghỉ lễ, con sẽ đi chơi với gia đình, du lịch xa hoặc về quê. Điều này sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ trong thói quen sinh hoạt. Bé có thể ngủ muộn, dậy muộn, ăn uống thất thường, bỏ ngủ trưa, xem tivi cả ngày... và nhiều hoạt động không lành mạnh. Bố mẹ nên lên thời gian biểu sao cho hợp lý, sắp xếp các hoạt động trong ngày để con vừa vui vẻ vừa không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Con nên giữ đúng giờ giấc thức dậy và đi ngủ. Đặc biệt, không nên bỏ qua giờ ngủ trưa chỉ vì mải chơi. Việc này sẽ làm con bị mệt vào giờ chiều và gây mất ngủ vào buổi tối.
Trong những ngày nghỉ kéo dài, trẻ thường có xu hướng ăn uống, thư giãn, lười vận động hơn bình thường. Chính vì vậy, trẻ thường dễ lâm vào trạng thái ù lì, chậm chạp, không bắt kịp nhịp độ và thời gian biểu ở trường học sau kỳ nghỉ.
Cha mẹ hãy thường xuyên vận động, trở thành tấm gương sáng cho trẻ noi theo chứ đừng bắt ép trẻ vận động một mình. Bên cạnh khuyến khích trẻ dậy sớm, tập thể dục, đi bộ, hít thở không khí cùng với các thành viên khác trong gia đình, mẹ còn có thể hướng dẫn trẻ chăm sóc cây cảnh, nấu cơm đồ ăn để tập cho trẻ thói quen làm việc nhà phụ giúp gia đình, giúp trẻ năng vận động hơn.
Chỉ cần 15-30 phút mỗi ngày là trẻ đã được tiếp thêm năng lượng. Trẻ vừa được tăng sức đề kháng, vừa ăn uống ngon miệng hơn, tránh tình trạng ù lì, mệt mỏi, nằm một chỗ.
Hy vọng những lời khuyên trên sẽ giúp ích cho bố mẹ, để cả gia đình cùng giữ sức khỏe trong những ngày nghỉ lễ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn