4 sai lầm thường gặp khi điều trị thủy đậu

19:45 | 14/05/2018;
Khi bị thủy đậu, nhiều người còn điều trị theo kinh nghiệm dân gian, thậm chí tự ý dùng kháng sinh đến khi biến chứng mới tìm đến bác sĩ để điều trị. Theo các bác sĩ, dưới đây là một số sai lầm trong điều trị thủy đậu mà người dân thường mắc.
Mới đây, một bệnh nhân ở Mộc Châu (Sơn La) đã bị suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao sau khi tự mua thuốc điều trị bệnh thủy đậu khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều sai lầm trong điều trị thủy đậu mà người dân mắc phải.
Kiêng gió, kiêng nước
Khi mắc thủy đậu, nhiều người đã thực hiện kiêng gió, kiêng nước. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) đây là quan niệm sai lầm bởi trên da có rất nhiều vi khuẩn. Khi mắc thủy đậu, các nốt phỏng trên da gây ngứa ngáy, khó chịu nếu gãi sẽ là xước da. Nếu không được vệ sinh hay tắm rửa sạch sẽ, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua nốt phỏng bị vỡ gây nhiễm khuẩn, thậm chí có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Do vậy, người bệnh thủy đậu cần tắm hàng ngày bằng nước sạch chứ không nên kiêng.
1487638101-148708355922263-mang-thai-bi-thuy-dau.jpg
Một nữ bệnh nhân bị thủy đậu được điều trị tại BV Bạch Mai

 Dùng gốc rạ để tắm

Nhiều người khi bị thủy đậu đã dùng gốc rạ để nấu nước tắm và uống. Họ cho rằng bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh Trái rạ chỉ hết khi sử dụng gốc rạ để chữa bệnh. Nhưng các chuyên gia cho rằng việc sử dụng gốc rạ tắm có thể gây bội nhiễm cho da, nhiễm hóa chất do hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong gốc rạ.
Ăn kiêng
Một số gia đình cho rằng, khi bị thủy đậu cần kiêng khem trong quá trình ăn uống, nếu không bệnh sẽ nặng hơn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, người bệnh chỉ cần những thức ăn gây ngứa, gây sẹo, không tốt cho hệ tiêu hóa… còn vẫn nên sử dụng những thực phẩm có lợi nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho cơ thể như bổ sung canxi, kẽm… và áp dụng chế độ ăn uống hợp lý.
Tự điều trị bằng kháng sinh
Khi bị thủy đậu, một số người đã tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Nhất là một số loại thuốc mà bệnh nhân mua điều trị có corticoid. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 2 bệnh nhân tử vong do thủy đậu, đều liên quan đến việc tự mua thuốc điều trị có corticoid. Theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân thủy đậu sau dùng corticoid thì diễn biến rất nặng. Vì vậy, bệnh nhân thủy đậu cần hết sức thận trọng, không tự ý mua thuốc, đặc biệt các thuốc chứa corticoid uống khi bệnh đang diễn biến cấp tính.
         

Bệnh thủy đậu do varicella zoster virus gây nên. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có khả năng mắc bệnh. Bệnh thường khởi phát đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn sẽ có màu đục do chứa mủ.

Trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo.

Để tránh truyền bệnh cho người thân và cộng đồng, người mắc bệnh cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc đến những nơi đông người. Ngoài ra, người dân cần tiêm vaccin thủy đậu. Mũi đầu tiên là lúc bé 12 tháng tuổi. Mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn