4 sai lầm thường gặp khi vay ngân hàng mua nhà trả góp
15:24 | 22/08/2017;
Chọn khoản vay cao hơn khả năng chi trả, chọn gói lãi suất không phù hợp, tìm hiểu không kỹ về các điều khoản trong hợp đồng… là những sai lầm thường gặp của nhiều người khi vay tiền ngân hàng để mua nhà trả góp.
Lựa chọn được một căn nhà ưng ý, tìm được một ngân hàng đồng ý cho vay trả góp, nhiều người đã vội vàng đặt bút ký vào hợp đồng vay tiền ngân hàng, dẫn đến những hiểu lầm và bức xúc trong quá trình thực hiện hợp đồng với ngân hàng. Nếu đang có ý định vay tiền ngân hàng mua nhà, bạn nên tìm hiểu những sai lầm thường gặp và lời khuyên của chuyên gia kinh tế để rút kinh nghiệm cho bản thân. heo chuyên gia kinh tế Lê Tiến Quân, khi vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp, khách hàng thường gặp 4 sai lầm sau:
Sai lầm 1: Xác định khoản vay chưa hợp lý
Các ngân hàng thường đưa ra gói hỗ trợ vay lên tới 60%, 90% giá trị căn hộ, nhưng trước khi quyết định vay, bạn cần cân nhắc kỹ về vấn đề thu nhập cá nhân với khoản vay mong muốn và khả năng trả nợ hàng tháng. Để hạn chế áp lực của việc trả nợ lên chi tiêu hàng tháng của gia đình, nên chọn gói vay mà việc trả nợ chiếm khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng.
Hiện nay, nguồn cung căn hộ trên thị trường chia ra làm 4 phân khúc cơ bản gồm: căn hộ cao cấp với mức giá dao động từ 34 – 42 triệu đồng/m2, phù hợp với đối tượng mua có thu nhập từ 30 triệu đồng/ tháng trở lên; căn hộ trung – cao cấp, mức giá tầm 25 – 33 triệu đồng/m2, đối tượng mua có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên; căn hộ trung cấp, giá bán từ 20 -25 triệu đồng/m2, đối tượng mua có thu nhập ít nhất 15 triệu đồng/tháng và cuối cùng là căn hộ trung bình với mức giá từ 14 -20 triệu đồng/m2. Bạn có thể dựa vào mức thu nhập để lựa chọn phân khúc nhà và khoản vay phù hợp.
Sai lầm 2: Lựa chọn thời hạn vay chưa phù hợp
Theo tâm lý chung, không ai muốn phải vay nợ và trả lãi trong thời gian dài. Vì vậy, nhiều người chọn gói vay ngắn hạn, để rút bớt thời gian nợ ngân hàng. Nhưng điều này lại gây áp lực tài chính hàng tháng cho bạn, đặc biệt là nếu bạn có thu nhập không ổn định hoặc có rủi ro xảy ra ảnh hưởng đến thu nhập chung. Bạn nên tính toán kỹ thu nhập thực tế và số tiền vay ngân hàng để cân nhắc thời hạn vay vốn phù hợp nhất.
Nếu thu nhập thấp thì bạn nên kéo dài thời hạn vay, khi đó sẽ giảm số tiền gốc hàng tháng mà bạn phải trả cho ngân hàng. Ví dụ, khi vay 100 triệu đồng, nếu bạn vay trong một năm thì mỗi tháng sẽ trả dư nợ gốc khoảng 8,4 triệu đồng kèm với lãi. Nhưng nếu thu nhập của bạn thấp, có thể kéo dài thời hạn vay lên thành hai năm. Khi đó, mỗi tháng bạn chỉ phải trả khoản dư nợ gốc tầm 4,2 triệu đồng kèm với lãi.
Sai lầm 3: Không để ý hết các quy định về lãi suất
Hàng tháng, bạn sẽ phải trả một khoản lãi suất không nhỏ cho ngân hàng, nhưng khi vay, hầu hết khách hàng chỉ quan đâm đến lãi suất ưu đãi trong giai đoạn đầu tiên.
Lãi suất của ngân hàng nào đưa ra thấp hơn sẽ được nhiều người lựa chọn. Nhưng hầu hết các khoản lãi suất thấp chỉ được duy trì trong thời gian đầu của khoản vay (tối đa là 3 năm) sau đó lãi suất được thả nổi, thay đổi theo biên độ, tùy vào quy định của từng ngân hàng. Hiện nay, các ngân hàng áp dụng cách tính lãi suất bằng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dài nhất biên độ %. Bạn cần phải hỏi kỹ nhân viên tư vấn về biên độ % cụ thể, kỳ hạn huy động cụ thể là 24 tháng hay 36 tháng…, áp dụng trên mức tiền gửi bao nhiêu… để tránh bị bất ngờ khi ngân hàng đưa ra lãi suất thực tế bạn phải trả cao hơn mức lãi suất bạn dự tính. Bạn cũng cần hỏi rõ cách thức tính hoặc cách cập nhật lãi suất sau mỗi kỳ điều chỉnh của ngân hàng để chủ động hơn trong kế hoạch vay và trả nợ.
Sai lầm 4: Đọc không kỹ hợp đồng
Thông thường, khi được vay, cảm giác nhận được tiền dễ làm ngươi vay chủ quan và thoả hiệp với các điều khoản trên Hợp đồng tín dụng và các hợp đồng khác. Nhiều khách hàng đọc không kỹ hoặc không hiểu hết các nội dung trong hợp đồng, Trước khi đặt bút ký hợp đồng, bạn nên nhờ luật sư hoặc những người am hiểu về kinh tế xem và giải thích rõ ràng, đám phán những điểm bất hợp lý với ngân hàng. Sau khi ký, bạn cần phải giữ 01 bản hợp đồng (có đầy đủ chữ ký, con dấu, dấu giáp lai của Ngân hàng nơi bạn vay vốn).
Thêm một lưu ý nữa, khi ký kết hợp đồng, nhân viên ngân hàng sẽ đưa ra những điều khoản hấp dẫn như hỗ trợ thêm lãi suất, ưu đãi thêm khi tính biên độ dao động…. Những cam kết ưu đãi này thường được cam kết không có văn bản, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng nếu xảy ra sự cố, bạn sẽ không có bằng chứng để chứng minh. Vì vậy, khi thực hiện hợp đồng, bạn nên đảm bảo, tất cả đều được thể hiện trên văn bản, có chữ ký và xác nhận hợp pháp của hai bên.