Một số người già quan niệm rằng, khi thấy trẻ khóc không nên chạy tới bế ngay, nếu không trẻ sẽ quen, cứ để trẻ nằm khóc trên giường một lát là nín. Thoạt nhìn quan niệm nuôi dạy con cái kiểu này có vẻ hợp lý, nếu trẻ khóc mà không có ai để ý, chúng sẽ tự nín khóc, tránh nảy sinh tính ỷ lại.
Tuy nhiên dựa trên cơ sở khoa học, khi trẻ khóc việc bế đúng cách sẽ có lợi hơn là mặc kệ trẻ nằm trên giường tự nín khóc.
Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra rằng, có một sự khác biệt lớn giữa trẻ thường được mẹ bế và trẻ nằm một mình trên giường khi lớn lên.
1. Cảm giác an toàn
Ở giai đoạn sơ sinh, nhu cầu tiếp xúc da của trẻ với người mẹ cực kỳ mạnh mẽ. Khi mẹ bế con, đó là cách để thiết lập mối liên kết tình cảm, đáp ứng nhu cầu tình cảm trẻ cần, khiến chúng cảm thấy an toàn hơn.
Nếu trẻ thường xuyên bị mẹ để nằm một mình trên giường, ít tiếp xúc da với người mẹ, lâu dần nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, trẻ sẽ thiếu cảm giác an toàn, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
2. Khả năng chú ý
Khi trẻ sơ sinh nằm trên giường, tầm nhìn của chúng bị hạn chế, thứ duy nhất có thể nhìn thấy là trần nhà.
Khi trẻ được bế trong vòng tay của cha mẹ, cảnh vật trong mắt trẻ sẽ thay đổi liên tục. Điều này không chỉ giúp phát triển thị giác, thỏa mãn trí tò mò, mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc nâng cao khả năng chú ý của trẻ.
3. Mối quan hệ gắn bó với cha mẹ
Khi cha mẹ bế con sẽ hình thành mối liên kết tình cảm thân thiết hơn. Trong vòng tay của cha mẹ, trẻ mới có đủ cảm giác an toàn. Khi lớn lên, trẻ có xu hướng thích gần gũi, thân thiết với cha mẹ hơn.
Nếu trẻ thường xuyên nằm trên giường, chúng khó cảm nhận được tình cảm của cha mẹ. Điều này không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái.
4. Sự tự tin
Khi trẻ được ở trong vòng tay của mẹ, tai của chúng lắng nghe nhịp tim của mẹ, mũi ngửi được mùi hương quen thuộc của mẹ, sự hài lòng tăng lên, cảm giác an toàn sẽ mang tới sự tự tin cho trẻ.
Đối với những trẻ thường xuyên nằm trên giường, do không được tiếp xúc nhiều với cha mẹ nên dễ nảy sinh cảm giác bị bỏ rơi, lâu dần ảnh hưởng không tốt tới lòng tự tin.
Một số người mẹ lo lắng việc bế con quá nhiều có thể sẽ "làm hư" trẻ, sau này mình sẽ là người chịu vất vả nhất.
Trên thực tế, việc trẻ muốn được mẹ ôm ấp, vuốt ve là nhu cầu tình cảm bình thường ở trẻ nhỏ.
Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, việc tiếp xúc da nhiều bằng cách ôm, bế ẳm sẽ mang lại cảm giác an toàn cho trẻ, thiết lập mối quan hệ cha mẹ - con cái thân thiết hơn.
- Nâng đỡ đầu trẻ
Đầu của trẻ sơ sinh khá to và nặng, trong khi cột sống chưa hoàn thiện, cơ rất yếu. Vì thế, khi bế theo tư thế dọc, cha mẹ cần chú ý ôm đầu trẻ và đỡ bằng tay. Đặc biệt, tư thế trẻ nằm ngang, đầu tựa vào khủy tay cha mẹ rất phù hợp.
- Không bế theo tư thế dọc trong vòng 3 tháng đầu
Trẻ sơ sinh cột sống chưa phát triển hoàn thiện, khó có thể nâng đỡ được sức nặng của đầu. Nếu giữ tư thế này quá lâu sẽ tạo áp lực lên cột sống của trẻ, dễ gây tổn thương cột sống.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, cha mẹ nên áp dụng tư thế nằm ngang, tránh ôm theo chiều dọc.
- Đừng lắc
Một trong số những cách dỗ trẻ nín khóc nhanh là cha mẹ vừa bế vừa lắc. Đối với trẻ nhỏ, do thóp trên đầu chưa đóng hoàn toàn nên việc lắc lư quá mức rất nguy hiểm, có thể gây ra các tai biến về não.
Vì vậy, khi bế trẻ cha mẹ chỉ nên ôm nhẹ nhàng trong vòng tay, tránh rung lắc quá mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn