Thói quen trước dịch hầu hết các bà nội trợ thường xuyên chọn đi chợ hay siêu thị để mua sắm hàng ngày. Lý do vì lượng thực phẩm tươi mới, giá cả phải chăng và đảm bảo. Tuy nhiên từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại và ngày càng có diễn biến phức tạp hơn thì nhiều bà nội trợ đã chuyển hẳn sang mua online.
Cụ thể là mua tại các hội nhóm ở chung cư mình sinh sống, hội nhóm buôn bán online trên các nền tảng mạng xã hội và lớn nhất là các sàn thương mại điện tử và app giao đồ ăn nhanh.
Chỉ cần ngồi nhà, vào chợ của chung cư hay app online xem đang bán món gì, liên hệ đặt hàng thì sẽ được giao tới tận cửa. Hàng được để cách xa người giao để đảm bảo an toàn, người mua có hai phương án là trả tiền trước hoặc nhận hàng xong trả tiền, theo hình thức chuyển khoản. Hình thức này vẫn đang được áp dụng tại rất nhiều khu chung cư và nhà dân vừa tiện lợi, nhanh chóng lại giảm thiểu việc tiếp xúc cộng đồng.
Điều này còn khiến các doanh nghiệp, tiểu thương ở các chợ phải thích nghi ngay lập tức. Nhiều tiểu thương tại các khu chợ truyền thống lớn ở Hà Nội bắt đầu sử dụng hình thức bán online để tận dụng từ sự thay đổi thói quen tiêu dùng.
Trước thời điểm dịch bệnh, hầu hết ngân sách của các gia đình đều có 20% - 40% là dành cho giải trí và đi du lịch. Không chỉ đi du lịch trong nước mà nhiều gia đình còn tổ chức các chuyến du lịch nước ngoài với chi phí đắt đỏ, tần suất đi du lịch có thể tới vài lần trong một năm.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn thói quen này. Các gia đình cắt bỏ khoản chi tiêu cho nhu cầu giải trí, du lịch hoặc có thì cũng chỉ ở mức thấp. Thay vào đó, mọi người ưu tiên cho nhóm thực phẩm thiết yếu từ lương thực, chăm sóc sức khỏe. Đến cả nhóm mua sắm tùy ý, ngẫu hứng cũng bị cắt giảm hoàn toàn.
Đơn giản vì trong tình hình dịch bệnh, thu nhập giảm đi thì các khoản không có cũng chẳng sao bị rơi vào danh sách cắt giảm. Hơn nữa, lý do lớn nhất là hầu hết các dịch vụ này đều đã đóng cửa trong thời điểm giãn cách.
Đặc biệt, các hoạt động làm việc chuyển sang online ngay tại nhà khiến các gia đình phải nấu ăn và chăm sóc nhà cửa nhiều hơn.
Các bà nội trợ Việt vẫn thường có thói quen cất giữ tài sản dưới dạng tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng để hạn chế chi tiêu hoang phí. Tỷ lệ bà nội trợ có thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu khá cao. Thêm nữa, các chợ truyền thống hoạt động chủ yếu theo hình thức trả tiền mặt nên những bà nội trợ ưa sử dụng mua bán tại đây (từ độ tuổi 40 - 65) chắc chắn sẽ ưa dùng hình thức trả tiền này hơn.
Tuy nhiên dịch bệnh khiến chợ đóng cửa, đặt online thanh toán qua thẻ được ưu tiên và đảm bảo an toàn và giãn cách thế nên mọi người đều phải học và thích nghi dần với công nghệ mới. Các hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng và ví điện tử phổ biến hơn. Tỷ lệ bà nội trợ sử dụng tiền mặt để thanh toán mua sắm giảm hẳn.
Ngoài chi tiêu hàng ngày, hình thức thanh toán qua thẻ này còn được áp dụng với các khoản chi lớn như mua vàng, mua xe,...
Thu nhập giảm đi vì dịch bệnh khiến nhiều gia đình Việt phải nhìn lại cách chi tiêu của mình. Lo lắng về tương lai khi tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc thì nhiều gia đình phải lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm chặt chẽ hơn. Từ đó cắt giảm và thắt chặt chi tiêu với những khoản tiền không cần thiết để phòng trừ rủi ro, biến cố đột ngột có thể xảy đến.
Ảnh: Internet
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn