So với nam giới, phụ nữ dễ bị tăng cân hơn bởi chị em gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát ăn uống. Hơn nữa, tỷ lệ cơ bắp ở phụ nữ thấp hơn đàn ông, còn tỷ lệ mỡ lại cao hơn, mà cơ bắp lại có khả năng trao đổi chất nhanh hơn mỡ. Bên cạnh đó, việc mang thai, sinh con, hay là việc thay đổi nội tiết cũng có thể là nguyên nhân khiến cân nặng của chị em có xu hướng tăng nhanh...
Tăng cân không chỉ khiến phái đẹp cảm thấy sự tự ti về ngoại hình mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... Việc tăng cân không chỉ phụ thuộc vào số lượng thức ăn chúng ta nạp trong bữa cơm mà còn ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe, thói quen sống...
1. Trong độ tuổi dậy thì
Trong độ tuổi dậy thì, cơ thể bé gái đã tăng cường sản xuất estrogen, progesterone... quá trình này kích thích sự thèm ăn và khiến cân nặng tăng lên đáng kể. Hơn nữa, ở lứa tuổi này trẻ có xu hướng ngại vận động, điều này dẫn đến tình trạng dư thừa calo và béo phì.
2. Kết hôn và mang thai
Ở giai đoạn mới kết hôn, tâm lý trở nên thoải mái, do đó nhu cầu ăn uống cũng được cải thiện nên khả năng tăng cân cũng cao hơn. Còn khi bước vào giai đoạn thai kỳ, phụ nữ liên tục phải bổ sung nhiều thực phẩm bổ dưỡng để tẩm bổ cho thai nhi nhưng lại ít khi vận động. Điều đó dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì của mẹ bầu.
Sau khi sinh, cơ thể chị em vẫn chưa hoàn toàn phục hồi do đó có xu hướng ngại tập luyện. Nếu năng lượng bị dư thừa thì sẽ tích lũy trong cơ thể, sau đó biến đổi thành mỡ thừa.
3. Sau tuổi 35
Những phụ nữ bước vào tuổi 35 được khuyến cáo nên chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát cân nặng. Bởi lẽ lúc này quá trình trao đổi chất diễn ra chậm, chức năng của các cơ quan suy giảm nên rất dễ bị dư thừa calo và tích lũy mỡ thừa ở nhiều vùng trên cơ thể.
4. Giai đoạn mãn kinh
Trong độ tuổi mãn kinh (45-55 tuổi), nồng độ estrogen trong cơ thể sụt giảm cũng có thể làm bạn dễ tăng cân và hình thành nhiều bệnh nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, phụ nữ ở lứa tuổi này sức khỏe suy giảm nên phụ nữ có xu hướng lười vận động hơn so với khi còn trẻ.
1. Chăm chỉ vận động
Vận động thể chất là phương pháp giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể phụ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn trước và sau khi sinh con. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyên phụ nữ mang thai nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày kể cả trước, trong và sau khi sinh em bé. Thời gian cho một buổi tập kéo dài từ 20 đến 30 phút. Một số bài tập phù hợp với phụ nữ đang mang bầu bao gồm: bơi lội, đi bộ, yoga, đạp xe...
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm cân, cải thiện cảm xúc, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng, giảm nguy cơ mắc ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch, phòng chống đột quỵ, giúp xương chắc khỏe hơn...
2. Thay đổi chế độ ăn
Bên cạnh thói quen tập thể dục, chị em cũng nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nếu muốn giảm cân hoặc để tránh tăng cân. Nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn vặt, nước ngọt, đồ chiên rán vì chúng đều giàu calo và dễ gây tăng cân. Thay vào đó, nên tăng cường ăn rau củ quả và uống nhiều nước. Ngoài ra, chị em cũng cần hết sức chú ý trong những giai đoạn được coi là dễ tăng cân nhất trong cuộc đời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn