4 thói quen tốt cho trẻ trong dịp Tết

09:10 | 16/02/2018;
Bốn thói quen điển hình cần được hình thành, củng cố và duy trì thường xuyên để giúp trẻ có một cái Tết nhiều ý nghĩa và biết ứng xử phù hợp trong cuộc sống hàng ngày.

Đến thăm, chào hỏi và chúc tết đối với những người trong gia đình, họ hàng và những người xung quanh cũng chính là thói quen mà trẻ có thể hình thành từ những ngày tết và duy trì thường xuyên trong cuộc sống - Ảnh minh họa 


  1. Thói quen thể hiện lễ nghĩa qua các nghi lễ

Coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và ứng xử lễ nghĩa với ông bà, họ hàng là thói quen được thể hiện rõ nhất trong những ngày Tết.

Người lớn nên giúp trẻ hiểu được ý nghĩa tinh thần của ngày Tết, những việc trẻ phải bày tỏ trách nhiệm đối với mỗi thành viên trong gia đình như sự quan tâm, gần gũi, chăm sóc... một cách chân thành.

Nếu được giáo dục bài bản, được hướng dẫn, giúp đỡ thì các em càng thấy được giá trị của việc thể hiện lễ nghĩa và hành động một cách tự giác. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong cuộc sống thường ngày, lễ nghĩa cũng như các thủ tục nghi lễ trong ngày tết sẽ giúp các em lặp lại một cách bền vững và duy trì trong sinh hoạt, cách sống.

  1. Thói quen ứng xử đẹp

Đến thăm, chào hỏi và chúc tết đối với những người trong gia đình, họ hàng và những người xung quanh cũng chính là thói quen mà trẻ có thể hình thành từ những ngày tết và duy trì thường xuyên trong cuộc sống.

Mỗi lời nói, hành động giao tiếp của trẻ trong ngày tết thường được mọi người đánh giá. Tâm lý người Việt thường hay chú ý nhiều đến lời hay ý đẹp qua các nghi lễ như truyền thống “Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”. Vì vậy, nếu người lớn hướng dẫn, chỉ bảo, uốn nắn giúp trẻ hình thành và củng cố những cung cách ứng xử này sẽ là thói quen tốt để hình thành nét văn hoá đẹp trong giao tiếp hàng ngày.

Ngày tết là cơ hội để dạy trẻ biết cách thể hiện bằng thái độ và hành vi chuẩn mực đối với người lớn tuổi, người đã chăm sóc mình - Ảnh minh họa
 
  1. Thói quen tri ân người giúp đỡ, cưu mang mình

Không phải đứa trẻ nào cũng có thể tự giác thể hiện tấm lòng thơm thảo với người khác, thậm chí ngay cả những người có công nuôi dưỡng, chăm sóc mình nên người.

Ngày tết là cơ hội để dạy trẻ biết cách thể hiện bằng thái độ và hành vi chuẩn mực đối với những người mình mang ơn. Xã hội vẫn còn những đứa trẻ nghịch tử, những đứa trẻ vô ơn với cha mẹ, những người đẩy cha mẹ vào con đường cùng cực hoặc phải sống như những người vô gia cư… Bởi vậy, sự tri ân là một phẩm chất đạo đức cốt lõi của mỗi con người. Điều này phải được hình thành qua cuộc sống, phải có sự đồng cảm, biết chia sẻ, phải hiểu được giá trị của tình người thì các em mới ý thức được về sự tri ân.

Những hành động tưởng chừng đơn giản trong ngày tết như lì xì ông bà, cha mẹ, những người lớn trong họ hàng, dòng tộc… hoặc những đóng góp bằng vật chất trong việc xây dựng nhà thờ họ, những công trình công cộng mỗi dịp tết đến… đều có ý nghĩa đạo đức cao cả. Vì vậy, sự tri ân này là cần thiết và phải được phát huy.

  1. Thói quen làm việc nhà

Trách nhiệm với công việc gia đình không phải dễ hình thành và được các em tự giác thực hiện. Vì vậy, nếu tết đến cha mẹ tạo điều kiện cho các em tham gia việc nhà một cách nhẹ nhàng, đầy hứng thú và được khích lệ động viên thì có thể trở thành thói quen bền vững sau này.

Khi được giao việc cụ thể như dọn dẹp, trang trí phòng khách, nơi thờ tự… trẻ sẽ ý thức được trách nhiệm của mình và mong muốn được mọi người trong gia đình ghi nhận khả năng của mình nên sẽ rất nỗ lực cố gắng để làm tốt.

Thói quen là những hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần và thường liên quan đến nhu cầu, lối sống, nếp sống hàng ngày nên khi được hình thành thì thói quen thường bền vững.

Khi những thói quen tốt hình thành ở trẻ thì có thể duy trì được và trở thành cung cách ứng xử, nét văn hoá trong cuộc sống sau này. Khi có những thói quen tốt, trẻ cũng sẽ biết ý thức tránh xa những thói hư tật xấu như cờ bạc, nghiện rượu, hút thuốc, ăn uống thất thường…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn