Ăn uống có thể nói lên tính cách của một người. Nhìn vào nết ăn, chúng ta có thể đánh giá người đó có được giáo dục chỉn chu hay không? Vì vậy mẹ nên dạy sớm cho con thói quen ăn uống tốt và loại trừ những thói quen xấu. Việc ăn uống xấu thói có thể khiến trẻ bị mọi người xa lánh, chê bai. Khi lớn lên, con sẽ khó hòa đồng với người khác.
Có không ít trẻ được bố mẹ nuông chiều quá mức. Khi biết con thích ăn một món nào đó cha mẹ thường làm riêng cho con và để đứa trẻ đó có thể ăn hết, không cần nhường ai. Đây là việc làm với mục đích tốt của cha mẹ, tuy nhiên lại vô tình đào tạo nên 1 đứa trẻ có thói quen ăn uống xấu. Theo đó, con sẽ mặc nhiên hiểu rằng, mình có quyền ăn những món yêu thích và không ai có thể giành được. Thói quen này khi ra ngoài, trẻ sẽ bị đánh giá là tham ăn, ích kỷ, không được bố mẹ dạy dỗ...
Bên cạnh đó, việc chỉ cho trẻ ăn những món con thích có thể khiến trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện.
Nhiều đứa trẻ kén ăn, thường có thói quen bới tung đồ ăn trong đĩa, tìm thứ mình thích. Chẳng hạn như đĩa thịt xào rau củ, trẻ sẽ bới tìm thịt để ăn, chỉ chừa lại rau củ cho người khác. Việc bới tung đồ ăn như vậy có thể khiến cho đĩa thức ăn không còn đẹp mắt, người khác không được ăn miếng ngon. Đôi khi thói quen chọn món ngon để ăn sẽ hình thành thói quen tìm việc dễ để làm của trẻ. Trong 1 tập thể, việc con kén chọn món ăn hay công việc đều có thể khiến người khác khó chịu. Vì vậy cha mẹ nên chỉnh đốn bé, tránh gây phiền phức cho người khác.
Hãy dạy con ăn tất cả các món 1 cách lịch sự. Khi có miếng thức ăn con không thích thì có thể bỏ cạnh mâm hoặc gói gọn trong giấy ăn. Tránh việc bỏ lại vào đĩa thức ăn mà mọi người đang ăn.
Khi người khác gắp thức ăn, cha mẹ hãy dạy cho trẻ biết cách chờ đợi đến lượt mình, tránh chen ngang họ. Bởi có thể trẻ không cố ý nhưng hành vi này sẽ gây bất tiện và thậm chí khiến người khác xấu hổ. Nếu ở nhà thì điều này cũng không sao, nhưng thói quen này diễn ra ở nơi có nhiều người, hoặc chỗ làm việc sau này, người khác sẽ nghĩ đó là một hành vi thô lỗ, bất lịch sự, thậm chí là ích kỷ và phớt lờ cảm xúc của người khác.
Cha mẹ hãy dạy trẻ cách lấy đồ ăn lịch sự. Nếu đĩa thức ăn ở xa tầm với của trẻ, con nên nhờ người lớn lấy hộ. Nếu đĩa thức ăn ở xa tầm với của trẻ, con nên nhờ người lớn lấy hộ. Bởi rướn người lên có thể ảnh hưởng đến người ngồi bên cạnh, sẽ rất mất lịch sự. Không những vậy, việc cố rướn người lên để lấy thức ăn có thể khiến đồ ăn rơi ra xung quanh, gây mất vệ sinh.
Nhiều đứa trẻ kén ăn thường tỏ thái độ không vui ra mặt khi thấy mâm cơm không có món chúng thích. Thậm chí chúng còn phụng phịu, hờn dỗi, chê đồ ăn người khác nấu. Cha mẹ hãy dạy trẻ biết được để nấu 1 bữa ăn, người đầu bếp đã phải vất vả thế nào. Con nên biết ơn và tôn trọng đồ ăn người khác nấu cho mình. Thói quen này có thể ảnh hưởng đến tính cách sau này của trẻ. Con có thể trở nên trịnh thượng, tự cho mình quyền chê bai và coi nhẹ công sức lao động của người khác. Điều này không tốt chút nào cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Đặc biệt sẽ bị mọi người ghét bỏ, xa lánh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn