40% các cuộc đình ở ngành dệt may, da giày

21:13 | 19/04/2016;
Với hơn 2,5 triệu lao động, có tới 70% lao động nữ, ngành dệt may, da giày chiếm hơn 40% số cuộc đình công trên cả nước.
Hơn 1.500 công nhân công ty TNHH may Việt Pacific (Phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đội mưa đình công đòi quyền lợi ngày 18 và 19/3/2016 (ảnh internet) 

Tại Diễn đàn quan hệ lao động Việt Nam ngày 19/4, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết: Dệt may nước ta có gần 6.000 doanh nghiệp, thu dụng hơn 2,5 triệu lao động. Trong đó, lao động nữ trong ngành này có tỷ lệ rất cao, chiếm trên 70%. Tuy nhiên, trình độ tay nghề của người lao động chưa cao, mới có khoảng 20% lao động đã qua đào tạo cơ bản; đa số mới tuyển từ các vùng nông thôn, tác phong, hiểu biết pháp luật còn những hạn chế nhất định.

Đặc biệt, theo ông Trương Văn Cẩm, các cuộc đình công, ngừng việc tập thể liên tiếp xay ra trong các năm qua. Trong đó, dệt may, da giày chiếm đến trên 40% số cuộc đình công trên cả nước. Ông Cẩm lý giải, nguyên nhân các cuộc đình công chủ yếu là do lương thấp, do cách trả lương, văn hóa ứng xử của chủ doanh nghiệp nước ngoài với người lao động…

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính chung trong năm 2015, cả nước xảy ra 245 cuộc đình công. Trong 2 tháng đầu năm 2016, có gần 50 cuộc đình công, tranh chấp lao động. Trong đó, cuộc đình công với số lượng lớn nhất lên tới gần 20.000 công nhân. Các cuộc đình công chủ yếu liên quan tới vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016, việc thanh toán lương, thưởng của người lao động và việc thực hiện các chính sách của doanh nghiệp khi nâng lương, thanh toán phụ cấp, phúc lợi…

Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Tổng giám đốc Công ty Canon Việt Nam, cho rằng: Nhiều cuộc đình công đáng tiếc xảy ra gần đây là do thông tin giao tiếp, đối thoại 2 chiều giữa chủ sử dụng và người lao động chưa tốt, chưa tạo dựng được sự hiểu biết, đồng thuận để cải thiện môi trường làm việc, tăng năng suất lao động.

Bà Huyền cho biết thêm, doanh nghiệp này đang duy trì nhiều “kênh” để công nhân nêu ý kiến, nguyện vọng như: Thực hiện định kỳ 3 tháng/lần đối thoại với người lao động; qua hòm thư góp ý; hoặc phản ánh qua công đoàn về các vấn đề công nhân quan tâm như điều kiện làm việc, vệ sinh môi trường, chế độ đãi ngộ. Qua đó kịp thời đối thoại, thông tin 2 chiều giữa ban lãnh đạo công ty với người lao động.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn